Từ đầu năm đến nay , tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận một số trường hợp ngộ độc thực phẩm, gây ra lo ngại lớn cho người dân và các cơ quan chức năng. Các ca ngộ độc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn tạo ra áp lực lớn lên hệ thống y tế địa phương.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. Trong đó, các ca ngộ độc chủ yếu xuất phát từ việc tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, đặc biệt là tại các quán ăn đường phố và các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ. Tại Quảng Ninh đặc biệt trong tháng 3/2024 đã diễn ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại trường Tiểu học Quang Hanh khiến 33 em học sinh phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn.
Nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm bao gồm thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nhiều cơ sở kinh doanh không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc thực phẩm, dẫn đến việc sử dụng nguyên liệu bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất độc hại. Thực phẩm không được bảo quản đúng cách, dễ bị hư hỏng và phát triển vi khuẩn gây hại. Một số quán ăn và nhà hàng không tuân thủ quy trình chế biến và nấu nướng an toàn, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ người nấu sang thực phẩm.
Thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm. Sở Y tế cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tập trung vào việc kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện bảo quản và quy trình chế biến. Các chiến dịch tuyên truyền về an toàn thực phẩm đã được triển khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêu thụ thực phẩm an toàn. Đặc biệt trong tháng 4/2024 đã phát động tháng hành động về an toàn thực phẩm với chủ để “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” tại thành phố Uông Bí với đông đảo các lực lượng tham gia.Các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, hướng dẫn cho các chủ cơ sở kinh doanh về quy trình bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn, đồng thời hỗ trợ họ nâng cấp cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện vệ sinh. Tổ chức diễn tập xử lý, điều tra ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh thực hiện kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, người dân và các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao nhận thức cộng đồng và hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sẽ là những biện pháp hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Công Sơn CDC