Quảng Ninh tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2024

Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, ngành Y tế Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động tích cực.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 48.901 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Công Thương đang quản lý 10.072 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 28.035 cơ sở; ngành Y tế quản lý 10.794 cơ sở. Để bảo đảm ATTP, việc tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra vệ sinh ATTP là một trong những giải pháp được các ngành chức năng tích cực triển khai, góp phần đảm bảo ATTP. Từ ngày 15-19/1/2024, các ngành đã thành lập 3 đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP đi kiểm tra tại 13 địa phương trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện đảm bảo vệ sinh ATTP với các sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết, như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…

Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Qua các đợt kiểm tra cho thấy, việc đảm bảo ATTP tại các địa phương đã được thực hiện triệt để, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Một số chủ nhà hàng, cơ sở sản xuất chưa thực hiện lưu mẫu sản phẩm; khu vực chế biến, sản xuất và khu vực để sản phẩm bố trí chưa khoa học; một số tiểu thương tại các chợ biên giới, vùng cao vẫn còn buôn bán một số hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng… Các đoàn kiểm tra yêu cầu địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề ATTP tại cơ sở; các chủ cơ sở sản xuất trong quá trình kiểm tra khắc phục, loại bỏ những hạn chế, vi phạm trong quá trình sản xuất, buôn bán.

Từ cuối năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng, trình UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch, nội dung hoạt động cụ thể để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2024. Các nội dung, hoạt động triển khai tập trung vào: hoạt động truyền thông; hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm; hoạt động giám sát, xử lý, điều trị ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.

Đối với hoạt động truyền thông, toàn ngành Y tế đã tăng cường phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Huy động các cơ quan thông tin báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh và các địa phương tham gia truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đa dạng kênh truyền thông qua các hình thức như: Truyền thông đại chúng, huy động Đài Phát thanh, Truyền hình, Báo chí dành nhiều thời gian, thời lượng phát sóng tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Đặc biệt sử dụng các nền tảng xã hội (Zalo, fanpage,…), hệ thống đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn, khu phố để tập trung chuyển tải Thông điệp “Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”. Viết bài phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm Tết, Lễ hội. Tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp trên truyền hình, truyền thanh về an toàn thực phẩm, phổ biến các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để nâng cao hiệu quả thực thi các nội dung của Luật.

Truyền thông trực tiếp: Tăng cường truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, biên phòng, nông nghiệp phát triển nông thôn, các ban ngành, đoàn thể (như Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên, lực lượng vũ trang, cộng tác viên y tế thôn, bản…) với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra, đưa vào thảo luận và có nghị quyết về đảm bảo an toàn thực phẩm trong các đợt sinh hoạt của các Cấp ủy Đảng.

Tùy từng địa phương, phong tục, tập quán, địa bàn dân cư, các đơn vị trong ngành Y tế đã triển khai các hình thức truyền thông phù hợp như băng – rôn, khẩu hiệu, triển lãm, hướng dẫn cụ thể bằng cách “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt, ngành còn huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

Với hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường mạnh mẽ. Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; ngăn chặn hành vi quảng cáo thực phẩm vi phạm; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu. 

Hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường mạnh mẽ vào dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân

Hoạt động giám sát, xử lý, điều trị ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm được triển khai sát sao. Ngành Y tế tăng cường giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm; phát hiện các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng. Các đơn vị Y tế trên địa tỉnh đều tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện, điều tra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đồng thời xây dựng phương án sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa tử vong do ngộ độc thực phẩm.  

Để đón Tết vui tươi, an toàn, bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, phòng tránh các loại dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế Quảng Ninh đã khuyến cáo người dân:

– Chỉ mua và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Dùng thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có đầy đủ nhãn ghi thành phần, nơi sản xuất và thời hạn sử dụng rõ ràng. Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn. Không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Người dân cần lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn

– Lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh: Rau quả phải tươi, không dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ. Thịt, cá và các loại thủy sản cần tươi, giữ màu sắc bình thường không có mùi ươn hôi. Trứng cần chọn quả vỏ sáng màu, không bị những vết xám đen, không bị dập. Khi soi trứng qua ánh sáng thì trứng có màu hồng trong suốt. 

– Đảm bảo ăn chín uống sôi, không ăn gỏi sống, tiết canh. 

– Dùng nước sạch để rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến và nấu nướng thức ăn.

– Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu: Rửa thịt, cá và các loại thực phẩm sạch sẽ trước khi nấu. Với các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi nấu. Dụng cụ nhà bếp (như dao, thớt,…) dùng để chế biến thức ăn sống phải riêng biệt thức ăn chín. 

– Ăn ngay thức ăn vừa nấu chín xong. Bảo quản thức ăn sau nấu ở nơi sạch sẽ, thoáng và che đậy kín tránh bụi và ruồi.

– Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và nấu nướng.

– Không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học không đủ tiêu chuẩn cho phép để chế biến thực phẩm. 

– Ngoài ra, không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng.

– Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm soát nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Mạnh Hùng, Ngọc Phượng – CDC QN