Sở Y tế Quảng Ninh vừa có công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh; bán buôn, bán lẻ thuốc; phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố và một số đơn vị liên quan thông báo về mẫu thuốc kháng sinh CEFIXIM 200 giả và thuốc giả Viên hoàn cứng VIÊM MŨI XOANG xuất hiện trên thị trường.
CEFIXIME là thuốc kháng sinh dùng điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang và amidan, viêm phế quản…
Bao bì thuốc kháng sinh CEFIXIME 200 do Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long sản xuất
Theo thông tin từ Sở Y tế, ngày 26/7/2024, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có Văn bản số 2611/QLD-CL về việc thuốc giả Cefixime 200. Thông tin về thuốc giả có tên: Viên nén bao phim CEFIXIME 200, số GĐKLH: VD-28887- 18; số lô: 15030723, NSX: 030723, HD: 030725, số lô: 04200623, NSX: 200623, HD: 200625 và số lô: 28201123, NSX: 201123, HD: 201125; Cơ sở sản xuất: Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.
Thuốc giả CEFIXIM 200 nói trên có các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt với thuốc thật như sau:
- Chi tiết in trên hộp: Thuốc THẬT sau chữ “q.s.f” CÓ khoảng trắng – Hộp GIẢ sau chữ “q.s.f” KHÔNG có khoảng trắng
- Hình thức viên thuốc: Thuốc THẬT các viên đều màu, cạnh và mặt viên không sức mẻ – Thuốc GIẢ cạnh viên sức mẻ nhiều, lớp bao mỏng, màu sắc các viên trong cùng 1 vỉ không đồng nhất, có lốm đốm màu.
Ngoài loại thuốc trên, Sở Y tế còn cảnh báo các cơ sở và người dân không buôn bán và sử dụng thuốc giả VIÊM MŨI XOANG có thông tin như sau: Tên thuốc Viên hoàn cứng VIÊM MŨI XOANG, Số đăng ký: VD-93312-13 do cơ sở Đông Nam Dược Hải Thượng (Địa chỉ: 108 Hương Lộ 14, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất. Thuốc chưa được cấp Giấy đăng ký lưu hành; thuốc có trộn với Paracetamol và Diclofenac natri. Căn cứ quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật dược số 105/2016/QH13, thuốc Viên hoàn cứng VIÊM MŨI XOANG nêu trên là thuốc giả.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế Quảng Ninh đề nghị:
– Nghiêm cấm các cơ sở trên địa bàn tỉnh kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc giả nêu trên. Khi phát hiện thuốc giả phải khẩn trương báo cáo về Phòng Y tế tại địa phương và Sở Y tế (phòng Nghiệp vụ Dược) để kiểm tra, xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ.
– Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin kịp thời tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng và người dân trên địa bàn tỉnh biết để không buôn bán, sử dụng thuốc giả nêu trên; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở kinh doanh và người sử dụng thuốc chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp; không mua bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước các cơ sở có dấu hiệu nghi ngờ sở sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
– Đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo Phòng Y tế thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết thông tin thuốc giả nêu trên; phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp pháp
Cùng với đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành: Thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả nói trên; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm CEFIXIME 200 giả có các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
Phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn; điều tra, xác minh thông tin và truy tìm nguồn gốc về sản phẩm CEFIXIME 200 giả nêu trên, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc CEFIXIME 200 giả.
Chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng; báo cáo kịp thời các vụ việc phát hiện tới Sở Y tế và cơ quan chức năng liên quan.
Thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Quỳnh Trang (CDC QN)