SỐNG CHUNG VỚI BỆNH HEN PHẾ QUẢN

Hen phế quản còn được biết đến với tên gọi khác là bệnh hen suyễn, đây là căn bệnh liên quan tới đường hô hấp khá phổ biến hiện nay. Trên thực tế, bệnh hen phế quản rất khó điều trị dứt điểm, người mắc phải xác định chung sống với bệnh suốt đời và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát bệnh tốt. Bài viết dưới đây có sự tham vấn của Bác sĩ CKI Nguyễn Thu Hằng, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.

Bệnh hen phế quản là gì?

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh lý đa dạng, đặc trưng bởi viêm mạn tính đường thở, với sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm), biểu hiện bằng các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và cường độ, và kèm theo giới hạn luồng khí thở ra thay đổi.

Nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản

Yếu tố di truyền: 50-60% bệnh nhân hen phế quản liên quan đến yếu tố này

Yếu tố môi trường: Dị nguyên trong nhà ( như bụi nhà, nấm mốc, lông thú (chó, mèo..)…; Dị nguyên ngoài nhà ( như bụi đường phố, phấn hoa, hóa chất, ô nhiễm môi trường…

Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Các vi khuẩn, vi rút. Các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp. Thức ăn: hải sản, trứng, phụ gia…. Thuốc: NSAID, kháng sinh, Aspirin. Khói thuốc lá, thuốc lào. Các yếu tố khác: nội tiết, căng thẳng, gắng sức, thay đổi thời tiết….

Các triệu chứng của bệnh hen phế quản

Người bệnh xuất hiện từ một trong các triệu chứng: khò khè, khó thở, nặng ngực đặc biệt thì thở ra. Nghe phổi trong cơn hen có tiếng thở rít.

Hoàn cảnh xuất hiện: thường xuất hiện về đêm và gần sáng, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi), hoặc khi có tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên.

Tiền sử gia đình có người mắc hen phế quản, bệnh dị ứng.

Bệnh nhân chờ khám tại Khu vực Phòng khám của Bệnh viện Phổi Quảng Ninh

Làm thế nào để chẩn đoán hen phế quản?

Chẩn đoán xác định khi: Có cơn khó thở kiểu hen: khó thở, khò khè, nặng ngực, ho khạc đờm, nghe phổi có ran rít ran ngáy. Hoặc có triệu chứng lâm sàng gợi ý hen và giới hạn luồng khí thở ra biến đổi, được khẳng định ít nhất một lần.

Chẩn đoán Hen phế quản khi người bệnh đã dùng thuốc kiểm soát hen:

Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán HPQ, đang dùng thuốc kiểm soát, việc chẩn đoán xác định HPQ có thể gặp khó khăn. Trong những trường hợp này, việc khẳng định chẩn đoán thường dựa vào: Thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, tiền sử bệnh tỷ mỷ, nhằm tìm kiếm các triệu chứng lâm sàng gợi ý chẩn đoán hen; Hỏi tiền sử dị ứng, tiền sử gia đình có người bị HPQ? Tìm kiếm các bằng chứng về việc đáp ứng với điều trị thuốc giãn phế quản hoặc corticoid; Đánh giá các đáp ứng với điều trị hiện tại các thuốc kiểm soát hen. Nếu đáp ứng điều trị tốt thì xem đó là dấu hiệu quan trọng giúp khẳng định chẩn đoán.

Hen phế quản có chữa khỏi hoàn toàn không?

Hen phế quản là bệnh tiến triển mạn tính và cho đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng của bệnh hen.

Các phương pháp điều trị bệnh hen phế quản hiện nay?

Điều trị dựa trên mức độ kiểm soát, điều chỉnh theo chu kỳ (đánh giá – điều trị – đáp ứng).

Phát hiện và điều trị bệnh đồng mắc

Loại bỏ các yếu tố dị nguyên, yếu tố kịch phát gây hen.

Lựa chọn thuốc điều trị phù hợp và hiệu quả: điều trị theo bậc hen, xem xét nâng bậc, hạ bậc hiệu quả, tối ưu thuốc điều trị dự phòng mà vẫn đem lại hiệu quả tốt nhất…

Mục tiêu: Đạt kiểm soát tốt triệu chứng và duy trì hoạt động bình thường; Hạn chế mức thấp nhất nguy cơ kịch phát, giới hạn luồng khí cố định và tác dụng phụ của thuốc; Đảm bảo tuân thủ điều trị, kỹ thuật dùng thuốc đúng dựa trên cơ sở sự hợp tác giữa người bệnh hen và nhân viên y tế thông qua tư vấn giáo dục kiến thức về bệnh.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh hen phế quản

Tránh các yếu tố dị nguyên trong nhà, ngoài nhà.

Tiêm ngừa vắc xin để phòng ngừa hen phế quản: vắc xin cúm hàng năm, phế cầu…

Không hút thuốc lào, thuốc lá, tránh khói thuốc thụ động.

Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng.

Duy trì tâm lý thoải mái, ổn định.

Giữ ấm cơ thể về mùa lạnh, hay khi thay đổi thời tiết

Tập thể dục nhẹ nhàng, tập thở, tập phục hồi chức năng. Chăm sóc sức khỏe tổng thể tốt.

Dùng thuốc điều trị dự phòng hen đều đặn, đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh viện Phổi Quảng Ninh có 3 phòng khám, trong đó có 1 phòng khám riêng để khám, quản lý, cấp thuốc điều trị cho các bệnh nhân Hen – COPD

Thực trạng bệnh nhân đến khám và điều trị do mắc bệnh hen phế quản tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh từ tháng 1 năm 2024 đến nay?

Bệnh viện Phổi Quảng Ninh hiện đang quản lý hơn 300 bệnh nhân Hen phế quản. Trong đó có hơn 160 bệnh nhân tái khám đều hàng tháng. Một vài bệnh nhân chỉ tái khám khi triệu chứng trở nặng.

Số bệnh nhân còn lại không đến tái khám và được hướng dẫn quản lý tại y tế cơ sở, một số không điều trị dự phòng gì.

Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đã triển khai hoạt động khám và điều trị như thế nào để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh hen phế quản cho người bệnh?

Bệnh viện Phổi Quảng Ninh có 3 phòng khám, trong đó có 1 phòng khám riêng để khám, quản lý, cấp thuốc điều trị cho các bệnh nhân Hen – COPD.

Bệnh nhân đến tái khám tại phòng khám quản lý Hen – COPD sẽ được khám, làm xét nghiệm để đánh giá đáp ứng điều trị cũng như phát hiện yếu tố nguy cơ có thể làm bùng phát cơn hen. Bệnh nhân được tư vấn, hướng dẫn cách dùng thuốc hiệu quả và được cấp thuốc điều trị dự phòng hàng tháng theo từng mức độ bệnh.

Bệnh viện in các tờ rơi truyền thông về bệnh và hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo phát cho bệnh nhân mới, bệnh nhân tuổi cao trí nhớ kém và triển khai nhóm quản lý Hen – COPD trên zalo để tư vấn thêm ngoài giờ khi bệnh nhân cần. 

Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi thực hiện truyền thông, gặp mặt nhóm các bệnh nhân Hen phế quản và COPD để trao đổi về bệnh cũng như tư vấn thêm về thuốc điều trị dự phòng, giúp bệnh nhân hiểu hơn về bệnh và tự có kế hoạch quản lý của bản thân./.

Hải Ninh, CDC