Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 80% bệnh tật xuất phát từ việc sử dụng nước bị nhiễm khuẩn, trong đó một số bệnh thường gặp như: tiêu chảy, viêm ruột, nhiễm giun sán, viêm màng kết…và nghiêm trọng nhất chính là bệnh ung thư.
Nước sạch là nhu cầu cơ bản trong đời sống hằng ngày của con người. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều hộ dân dùng nước được xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn chất lượng cho sinh hoạt hàng ngày, nguy cơ mắc các bệnh lan truyền qua đường nước là rất cao. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 165.000 người mắc ung thư (trong đó khoảng 115.000 người chết do ung thư) mà nguyên nhân chủ yếu từ ô nhiễm nguồn nước.
Nước có vai trò thiết yếu đối với cơ thể và sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể
Nước là loại tài nguyên tái tạo, nhưng để có được nguồn tài nguyên nước sạch theo đúng chuẩn, phục vụ hằng ngày trong đời sống của con người, thì đòi hỏi phải có sự đầu tư cả về trang thiết bị, vật tư lẫn chi phí. Vì vậy, về mặt lý thuyết nếu như chúng ta không biết sử dụng nguồn tài nguyên này một cách tiết kiệm, hợp lý thì hậu quả là chúng ta tự tước đoạt đi nhu cầu thiết yếu của chính mình. Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể người, vì nước chiếm đến 70 – 80% trọng lượng cơ thể. Người ta đã chứng minh rằng, một người trưởng thành có thể nhịn ăn trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần nhưng không thể không uống nước trong 3 – 4 ngày. Nước không những có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động của cơ thể, mà nước sạch hằng ngày chúng ta thường sử dụng còn có chứa rất nhiều các chất khoáng có lợi cho sức khỏe. Chẳng thế mà người ta nói rằng: Nước sạch được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, nó tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đối chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình là do được hòa tan trong dung môi.
Rõ ràng, nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống hằng ngày của con người. Do đó, khi chúng ta sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm về sức khoẻ. Chia sẻ về vấn đề này, Ths. Nguyễn Thị Hương Thu, Khoa Sức khoẻ môi trường và Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm bẩn, người dân dễ bị mắc các bệnh liên quan đến nước như: Bệnh tả, lỵ, thương hàn, các bệnh liên quan đến giun sán, bệnh tay chân miệng, bệnh da liễu, viêm kết mạc, đau mắt hột, gây rối loạn chuyển hoá thậm chí gây ngộ độc hoặc lâu ngày có thể gây ung thư tuỳ thuộc vào tính chất ô nhiễm và nồng độ các chất trong nguồn nước. Ví dụ nước nhiễm khuẩn: coliform, e.coli, trực khuẩn mủ xanh… Gây nhiều bệnh đường ruột như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tổn thương niêm mạc. Nước nhiễm sắt và mangan có thể gây biến màu thức ăn, làm hoen ố quần áo. Độc tính của sắt có thể ảnh hưởng đến gan, thận và hệ thống tim mạch, thần kinh. Hoặc nếu dùng nguồn nước có nồng độ đồng cao trong một thời gian dài thì có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan; đồng có thể gây độc hại nghiêm trọng cho thận và tổn thương dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy và mất sức… Dùng nước nhiễm nitrit, nitrat trong thời gian dài ở nồng độ cao sẽ bị khó thở, có nguy cơ cao bị ung thư gan, phổi và dạ dày…”
Vì vậy, để hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thì tại mỗi gia đình phải có biện pháp xử lý nước đơn giản và đặc biệt phải có ý thức bảo vệ nguồn nước. Ths Thu cho biết:
– Đối với những gia đình sử dụng nguồn nước máy từ các đơn vị cấp nước, cần thường xuyên vệ sinh dụng cụ chứa nước, sục rửa đường ống.
– Đối với các khu vực người dân sử dụng nguồn nước khai thác tự nhiên cần chú ý giữ sạch nguồn nước:
+ Không chăn thả gia súc, đổ rác gần nguồn nước, không phóng uế bậy, không thải hóa chất trực tiếp vào nguồn nước, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
+ Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý phân gia súc đúng cách, xa nguồn nước.
+ Giảm thiểu rác thải, phân loại và có các biện pháp xử lý chất thải phù hợp, không gây ô nhiễm nguồn nước.
+ Cần tiết kiệm nguồn nước trong đời sống hằng ngày như kiểm tra hệ thống ống nước, bồn vệ sinh, các van, vòi nước, thay đổi hành vi, hình thành thói quen tiết kiệm nước.
Bên cạnh đó, nếu có điều kiện người dân cũng nên định kì kiểm nghiệm chất lượng nước để đảm bảo kiểm soát tốt nhất nguồn nước sử dụng tại gia đình.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện lấy mẫu nước, ngoại kiểm chất lượng nước tại các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh
Với chức năng, nhiệm vụ giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt, hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn chủ động phối hợp với các Trung tâm Y tế tiến hành kiểm tra, giám sát ngoại kiểm đối với khoảng 50 đơn vị cấp nước quy mô lớn, công suất >1000 m3/ ngày đêm. Hiện nay, các trạm cấp nước có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân địa phương, đặc biệt là dân cư nông thôn, thu hẹp khoảng cách về chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị, góp phần xây dựng Nông thôn mới. Do đó, việc kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên để đảm bảo chất lượng nước sạch đạt tiêu chuẩn sử dụng cho mục đích sinh hoạt đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng nước sạch.
Mạnh Hùng (CDC)