Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi giãn tĩnh mạch chân là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của người bệnh. Bác sĩ An Thị Hồng Phượng, Phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực, khoa Khám bệnh cấp cứu của Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với độc giả những thông tin về căn bệnh này và biện pháp phòng ngừa.

Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Nữ giới thường có tỉ lệ mắc cao hơn nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên… do khối lượng cơ thấp so với nam giới hoặc dùng giày không thích hợp.

Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ công nhân chế biến thủy sản bị giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm trên 70%. Các nhà khoa học dự đoán bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường diễn biến thầm lặng, nếu không điều trị giai đoạn muộn có thể gây các biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và có thể là tính mạng: Huyết khối tĩnh mạch sâu; Thuyên tắc phổi (tắc mạch máu ở phổi) nguy hiểm và gây tử vong cao; Đau mạn tính và loét chân; Phù mạch bạch huyết thứ phát.

Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:

Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Ngoài ra còn có thể do chế độ làm việc. Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn, người mang thai nhiều lần, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

Quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già). Tuổi thọ con người ngày càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình tích tuổi trong đó có suy tĩnh mạch chi dưới.

Các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Ở giai đoạn đầu các triệu chứng ban đầu của bệnh cũng thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh thường có biểu hiện đau chân, nặng chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường; Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều; Chuột rút vào buổi tối, cảm giác bị châm kim, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Giãn tĩnh mạch mạng nhện (giai đoạn đầu chỉ thấy tĩnh mạch nổi li ti, nhất là ở cổ chân và bàn chân). Những triệu chứng này thường không rõ ràng hoặc mất đi khi nghỉ ngơi, các tĩnh mạch ở chi chưa giãn nhiều, lúc giãn, lúc không nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.

Giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân. Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày sẽ có biểu hiện loạn dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Hiện tượng này không mất đi khi nghỉ ngơi, nặng hơn có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da một cách thường xuyên, các mảng bầm máu trên da…

Giai đoạn biến chứng, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối (biến chứng của viêm tĩnh mạch nông huyết khối là thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi), chảy máu nặng do giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét của suy tĩnh mạch mạn tính.

Phân chia theo CAEP, trong đó giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ nặng trên lâm sàng được phân thành C1-C6 như sau:

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Khám lâm sàng: Suy giãn tĩnh mạch có thể được chẩn đoán qua khai thác yếu tố nguy cơ, các triệu chứng của người bệnh. Ở người bệnh có mô dưới da mỏng, có thể nhìn và sờ thấy tĩnh mạch giãn ra và căng nhanh khi chuyển từ tư thế nằm sang đứng.

Siêu âm Doppler mạch máu: Siêu âm xác định chẩn đoán khi ghi nhận dòng trào ngược qua van tĩnh mạch với thời gian kéo dài >0.5 giây ở tĩnh mạch hiển và tĩnh mạch sâu ở cẳng chân hoặc >1 giây ở tĩnh mạch đùi khoeo. Siêu âm có thể xác định tổn thương của van tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, tĩnh mạch sâu và các van tĩnh mạch xuyên để giúp lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị bệnh

Nội khoa: Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch như daflon, rutin C, veinamitol… nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Một số bác sĩ chuyên khoa còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.

Phòng ngừa: Phương pháp này nhằm chặn đứng sự trào ngược và làm cho các lực tác động lên dòng chảy của tĩnh mạch được tốt hơn. Bao gồm tránh đứng hay ngồi lâu, không đi giày cao gót thời gian dài, không ngồi thõng chân quá lâu, nên để chân cao khi nằm nghỉ, tập luyện các môn thể thao như yoga, đạp xe, bơi lội,… sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón… Mang tất (vớ) áp lực, băng ép hai chân bằng băng chun.

Các phương pháp vật lý trị liệu: Các bài tập vận động, xoa bóp áp lực hơi, điện xung,…

Can thiệp ít xâm lấn; Xơ tắc mạch bằng sóng cao tần hoặc Laser; Phẫu thuật Stripping, phẫu thuật Chivas.

Những biện pháp phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Cải thiện điều kiện lao động, tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động cho công nhân phải đứng lâu một tư thế khi làm việc tại các công ty như bố trí thời gian nghỉ giữa ca lao động hợp lý để người lao động tự vận động tại chỗ, xoa bóp chân, thư giãn cơ thể; Mang phương tiện bảo hộ lao động thường xuyên; Khám sức khoẻ tuyển dụng cần loại trừ những người có bệnh lý về tim, mạch máu như suy giãn tĩnh mạch và khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

Phòng ngừa các biến chứng huyết khối tĩnh mạch, huyết khối phổi, loét da gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, tái khám định kỳ và khi có triệu chứng sưng đau bất thường của chi dưới, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Thay đổi lối sống, tránh đứng lâu, ngồi xổm, tránh thừa cân, béo phì, ăn các thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước, chế độ tập luyện phù hợp,…

Hải Ninh, CDC