Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại vào mùa cao điểm

Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù chưa đến “mùa cao điểm” của bệnh dại, nhưng cả nước đã ghi nhận 35 ca tử vong do bệnh này, tăng 10 trường hợp so với cùng kì năm 2022. Mặc dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm do chưa có thuốc đặc trị nhưng căn bệnh này vẫn tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Trong 5 năm trở lại đây, bệnh Dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng. Tại Quảng Ninh, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến này đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà; 03 ổ dịch dại trên chó tại 3 địa phương Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà. Đồng thời, ghi nhận 7 sự kiện chó nghi dại cắn nhiều người tại các huyện Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu với 33 người phơi nhiễm.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chó cắn người, chó mắc bệnh dại và các trường hợp người mắc bệnh dại là do tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng còn thấp, công tác quản lý đàn chó tại nhiều nơi còn lỏng lẻo, một số địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông. Bên cạnh đó, nhiều người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm còn phổ biến.

Bệnh dại do chó, mèo dại cắn là bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Hường (Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) cho biết: Người mắc bệnh Dại là do vi rút Dại lây truyền qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị Dại trên da tổn thương. Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh Dại chủ yếu cho người (96-97%). Ngoài ra virus Dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với dịch tiết, chất tiết của bệnh nhân mắc bệnh Dại.

Người bị động vật nhiễm virus Dại cắn sẽ ủ bệnh trong khoảng 1-3 tháng sau phơi nhiễm, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh lên tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn và số lượng virus xâm nhập cơ thể qua vết cắn. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Bệnh khởi phát với các triệu chứng ban đầu như sốt, sợ hãi, đau đầu, mệt mỏi, khó chịu… Giai đoạn viêm não tủy xuất hiện với các biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: kích động, sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động và gió (thể Dại điên cuồng) hoặc các triệu chứng liệt (thể Dại liệt). Ngoài ra bệnh nhân có thể kèm theo các rối loạn như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…, tiến tới hôn mê và thường tử vong sau 7-10 ngày.

Tình trạng vật nuôi thả rông, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng tại Quảng Ninh còn phổ biến.

Từ tháng 5 – tháng 8 cũng là thời gian đỉnh điểm nắng nóng, là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại; Công văn số 1066/UBND-NLN3 ngày 09/05/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách, phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh; Cụ thể hóa công văn số 1857/SYT-NVY ngày 11/05/2023 của Sở Y tế về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, CDC Quảng Ninh ban hành công văn số 1021/TTKSBT-KSBTN ngày 23/05/2023 về việc tăng cường phòng chống bệnh dại, trong đó đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chủ động và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp sau:

* Các đơn vị dự phòng:

  • Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại trên địa bàn; Duy trì triển khai hoạt động giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS).
  • Phát hiện sớm các sự kiện chó, mèo nghi dại cắn người để xử lý kịp thời.
  • Đảm bảo dự trù đầy đủ vắc xin dại để tiêm phòng cho người dân trên địa bàn trong thời gian cao điểm của bệnh dại sắp tới.
  • Thông tin, trao đổi, phối hợp liên ngành trong việc nắm bắt tình hình bệnh dại và công tác xử lý bệnh dại trên động vật, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch dại như: Hải Hà, Móng Cái, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Cẩm Phả…
  • Lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi mắc bệnh dại trên người gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chuyển Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán xác định.
  • Thực hiện truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại. Hướng dẫn người dân khi bị chó cắn, mèo, động vật nghi dại cắn cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng.
  • Thông báo rộng rãi địa chỉ điểm tiêm vắc xin phòng dại trên các phương tiện truyền thông.

* Các đơn vị điều trị:

  • Tăng cường chẩn đoán sớm, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân nghi dại.
  • Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cần thiết để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
  • Lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi dại gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
    tỉnh.
  • Thực hiện, báo cáo các ca bệnh nghi dại đầy đủ, kịp thời theo quy định.

​* Đối với người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Thực hiện quản lý chó, mèo theo hướng dẫn của cán bộ thú y: Tiêm phòng 100% cho đàn chó, mèo, khai báo chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương, nuôi chó phải xích, nhốt, ra đường phải đeo rọ mõm.
  • Khi phát hiện trường hợp chó nghi Dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế hoặc thú y trên địa bàn.
  • Khi bị chó, mèo cắn cần:
  • Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước sạch, cồn, rượu, dầu gội, sữa tắm,…. Đây là phương pháp sơ cứu ban đầu rất quan trọng để phòng chống bệnh Dại.
  • ​Rửa sạch vết thương với cồn 40-70 độ hoặc cồn iod.
  • ​Không làm dập nát vết thương (nặn máu) và không khâu kín hoặc băng kín vết thương.
  • ​Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời, tiêm càng sớm càng tốt. Không có thời gian giới hạn để tiêm phòng Dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
  • Tuyệt đối không tự chữa, không nhờ thầy lang khám chữa, không sử dụng các phương pháp thử Dại hoặc sử dụng thuốc nam để điều trị. Bệnh Dại chỉ có thể xét nghiệm được ở các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện.

Quỳnh Trang (CDC Quảng Ninh)