Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc ghi nhận 33 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 15/63 tỉnh, tăng 10 trường hợp so với cùng kì năm 2022 (22 ca). Tại Quảng Ninh, 5 tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà; 04 ổ dịch dại trên chó tại 3 địa phương Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà; Hiện nay đang bắt đầu vào thời gian cao điểm của bệnh dại, đồng thời thói quen nuôi chó, mèo thả rông sẽ làm nguy cơ mắc bệnh dại tăng lên.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/04/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại; Công văn số 1066/UBND-NLN3 ngày 09/05/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách, phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1857/SYT-NVY ngày 11/05/2023 của Sở Y tế về việc Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ban hành văn bản số 1021 /TTKSBT-KSBTN ngày 23/5/2023 về tăng cường phòng chống bệnh dại. Trong đó, các đơn vị thực hiện nội dung sau:
Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố:
– Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại trên địa bàn. Tích cực đôn đốc, hướng dẫn, giám sát, chỉ đạo các Trạm Y tế thực hiện tốt công tác giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS), phát hiện sớm các sự kiện chó, mèo nghi dại cắn người để xử lý kịp thời.
– Phối hợp các cơ quan truyền thông trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng chống bệnh dại. Hướng dẫn người dân khi bị chó cắn, mèo, động vật nghi dại cắn cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng. Thông báo rộng rãi địa chỉ điểm tiêm vắc xin phòng dại trên các phương tiện truyền thông.
– Đảm bảo dự trù đầy đủ vắc xin dại để tiêm phòng cho người dân trên địa bàn trong thời gian cao điểm của bệnh dại sắp tới.

Tiêm vắc xin dại có thể ngăn cản sự lây nhiễm của virus nếu tiêm phòng sớm, trước khi bị động vật cắn (trước phơi nhiễm)
– TTYT thường xuyên trao đổi thông tin tình hình bệnh dại với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm kỹ thuật dịch vụ Nông nghiệp địa phương; đồng thời chỉ đạo các TYT xã, phường phối hợp chặt chẽ với thú y cùng cấp để nắm bắt tình hình bệnh dại và công tác xử lý bệnh dại trên động vật, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch dại như: Hải Hà, Móng Cái, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Cẩm Phả… theo quy định tại thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYTBNN&PTNT ngày 27/05/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT.
– Lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi mắc bệnh dại trên người gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chuyển Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán xác định.
Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố:
– Tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng chống dịch địa phương xây dựng khế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại.
– Phối hợp với Trung tâm Y tế chỉ đạo các Trạm y tế duy trì triển khai hoạt động giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS).
Các đơn vị điều trị :
– Tăng cường chẩn đoán sớm, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân nghi dại.
– Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cần thiết để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
– Lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi dại gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
– Thực hiện, báo cáo các ca bệnh nghi dại đầy đủ, kịp thời theo quy định.
Trong tháng 4 và tháng 5/ 2023 , Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức các tập huấn công tác phòng chống bệnh Dại tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Dung – PGĐ CDC Quảng Ninh phát biểu tại lớp tập huấn phòng chống bệnh dại năm 2023.
Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh