Tăng cường cung cấp các dịch vụ khám phát hiện sớm, quản lý, điều trị người bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản… đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động của người bệnh. Để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, ngành Y tế Quảng Ninh đã tích cực triển khai cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh không lây nhiễm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 64.480 người được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp, trong đó 43.649 người được quản lý, 24.850 người được điều trị đạt huyết áp mục tiêu; 24.615 được phát hiện mắc bệnh đái tháo đường, trong đó 18.100 người được quản lý điều trị, 12.515 người được điều trị đạt đường máu mục tiêu.

CDC Quảng Ninh khám sàng lọc tăng huyết áp cho người dân tại thành phố Uông Bí

Các đơn vị Y tế trên toàn tỉnh đã tổ chức triển khai các dịch vụ kiểm tra sức khỏe, đánh giá nguy cơ, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm: khám sàng lọc, đo các chỉ số sinh tồn, thực hiện một số nghiệm pháp để thực hiện sàng lọc đường huyết ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên từ đó phát hiện sớm người có rối loạn đường huyết, tiền đái tháo đường, đái tháo đường để được tư vấn điều trị bệnh sớm. Các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế khám sàng lọc cơ hội khi người dân đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở và tổ chức các chương trình sàng lọc, khám, kiểm tra sức khỏe, lồng ghép công tác sàng lọc tại cộng đồng; trong chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh ở trường học, trong khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp tại các cơ quan, tổ chức hoặc trong khám quản lý sức khỏe cho người cao tuổi…

Trong 6 tháng đầu năm 2024 ( tính đến ngày 26/6/2024), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh đã triển khai khám sàng lọc các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư vú tại 7/11 điểm tại thị xã Quảng Yên với tổng số 2.226/4100 người (đạt 54,3% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024); Giám sát hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm năm 2024 tại 10/13 Trung tâm Y tế và 40 Trạm Y tế. Trong tháng 7/2024, CDC tiếp tục triển khai khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm ( tim mạch, đái tháo đường, ung thư vú) cho người dân tại thành phố Uông Bí theo kế hoạch năm.

Người dân đến Trạm Y tế phường Phương Nam, TP. Uông Bí từ 5h sáng để khám sàng lọc tiểu đường

Sau các đợt sàng lọc, số người được phát hiện bệnh, các yếu tố nguy cơ được lập hồ sơ theo dõi, kiểm tra định kỳ, tư vấn, dự phòng cho người thừa cân, béo phì, người tiền bệnh và người có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm; Quản lý người có nguy cơ tim mạch; tư vấn, can thiệp cai nghiện thuốc lá, sàng lọc và can thiệp giảm tác hại do uống rượu, bia; Lồng ghép các hoạt động trong chăm sóc sức khỏe học sinh ở trường học; quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức; bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và tạo điều kiện cho người mắc bệnh không lây nhiễm được điều trị đúng và đủ quản lý sức khỏe người cao tuổi và quản lý, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng.

Công tác dự phòng, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường được triển khai tại tất cả các trạm y tế xã, phường khám, chữa bệnh và các cơ sở y tế tuyến huyện theo quy định; Tổ chức dự phòng, phát hiện, quản lý theo dõi người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tại các trạm y tế xã, phường và chẩn đoán, quản lý điều trị người bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Tại các cơ sở y tế có chức năng khám quản lý điều trị, những người đã được chẩn đoán bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, hen phế quản, ung thư được quản lý điều trị theo chuyên khoa, khám định kỳ theo hướng dẫn quản lý bệnh điều trị dài ngày.

Thạc sĩ, bác sĩ Lường Thị Xuân, khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm &Dinh dưỡng, CDC siêu âm sàng lọc yếu tố nguy cơ Ung thư vú cho người dân tại TP. Uông Bí

Ngành Y tế tích cực phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm: Củng cố năng lực, nhân lực, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn của các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã trong hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm thông qua các lớp tập huấn chuyên môn; Đảm bảo đầy đủ trang thiết bị chuyên sâu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh không lây nhiễm tại các bệnh viện tuyến tỉnh; Tổ chức các lớp tập huấn về dự phòng, chẩn đoán, quản lý, điều trị, tư vấn tâm lý, chăm sóc giảm nhẹ,… cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, phù hợp với nhiệm vụ của từng tuyến; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho y tế thôn, cộng tác viên, y tế trường học về sàng lọc và phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm.  

Phòng, chống bệnh không lây nhiễm có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của xã hội: Phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm giúp mọi người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, giảm thiểu đau đớn và gánh nặng bệnh tật; Chi phí điều trị và chăm sóc cho các bệnh không lây nhiễm rất cao. Phòng chống bệnh giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho cá nhân, gia đình và hệ thống y tế; Khi sức khỏe được cải thiện, năng suất lao động tăng lên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội.

Các biện pháp phòng ngừa như tăng cường vận động, ăn uống lành mạnh, giảm tiêu thụ thuốc lá và rượu bia có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự xuất hiện của các bệnh không lây nhiễm. Việc phòng chống bệnh không lây nhiễm đòi hỏi sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Hải Ninh, Công Sơn – CDC