Tăng cường giám sát, phòng chống dịch Bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể gây tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh ghi nhận rải rác hàng năm, tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Là bệnh gặp chủ yếu ở nhóm tuổi dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin tuy nhiên hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 2 ổ dịch bạch hầu tại Điện Biên (2 ca mắc, 1 ca tử vong), tại Hà Giang (2 ca mắc, 1 ca tử vong). Gần đây nhất, ngày 8/9/2023 tại Thái Nguyên đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh bạch hầu

Quảng Ninh là địa bàn có nhiều người dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến lao động, học tập, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan là có thể xảy ra. Để chủ động ngăn chặn, kiểm soát kịp thời và hiệu quả dịch bệnh bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành công văn số 1890/TTKSBT-PCBTN về việc tăng cường giám sát, phòng chống dịch Bạch hầu , trong đó yêu cầu các đơn vị thực hiện và phối hợp như sau:

Tiên vắc xin uốn ván, bạch hầu cho trẻ tại huyện Tiên Yên

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố:

– Tăng cường giám sát phát hiện kịp thời ca mắc/nghi mắc bạch hầu. Đặc biệt lưu ý các trường hợp có biểu hiện viêm họng cấp nghi bạch hầu và có tiền sử dịch tễ trong vòng 14 ngày có đi/ đến/ở từ vùng dịch là các địa phương có ghi nhận ca mắc… đến khám bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế cần cách ly, lấy ngay mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật làm xét nghiệm.

– Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, biết cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Truyền thông, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vắc xin phối hợp có thành phần bạch hầu nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh hiệu quả.

– Tăng cường hoạt động giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS) ghi nhận các dấu hiệu dịch bệnh tại cộng đồng. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để ngay từ ca bệnh đầu tiên để dịch không bùng phát, lan rộng.

– Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Đảm bảo vật tư, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn.

– Chủ động triển khai tập huấn, hướng dẫn các cán bộ y tế trong đơn vị công tác giám sát, phát hiện, điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 3593/QĐ-BYT ngày 18/8/2020 của Bộ Y tế

Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố:

– Tham mưu BCĐ địa phương xây dựng kế hoạch và đề xuất các nguồn lực cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

– Phối hợp cùng Trung tâm Y tế triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.

– Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát y tế tư nhân, y tế cơ quan doanh nghiệp, đặc biệt các cơ sở làm việc, khu công nghiệp, ngành than… Chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ và báo cáo nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các trường hợp mắc/nghi mắc cho Trung tâm Y tế hoặc trạm Y tế đóng trên địa bàn.

Các đơn vị điều trị :

– Tăng cường giám sát, ghi nhận và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ đến khám tại phòng khám, điều trị nội trú. Đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/về từ các địa phương có ổ dịch.

– Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực… tổ chức tốt việc thu dung, giám sát ca bệnh lấy mẫu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm xét nghiệm. Tổ chức cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong.

– Chủ động triển khai tập huấn, phổ biến, cập nhật phác đồ điều trị, các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bạch hầu ban hành kèm theo quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế về việc “Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu” cho các các bộ y tế trong đơn vị.

Sở Giáo dục và Đào tạo:

– Tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu trong trường học.

– Phát hiện kịp thời các trường hợp mắc/nghi mắc báo cáo kịp thời cho y tế địa phương để xử lý theo đúng quy định.

– Hướng dẫn và khuyến cáo các trẻ trong độ tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin có thành phần bạch hầu thực hiện tiêm phòng đầy đủ để tăng cường miễn dịch phòng bệnh hiệu quả.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở làm việc, khu công nghiệp:

– Theo dõi sát tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn và các ổ dịch trong nước để chủ động sẵn sàng các phương án, biện pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh bạch hầu.

– Giám sát phát hiện kịp thời các trường hợp người lao động mắc/nghi mắc bạch hầu. Đặc biệt lưu ý các trường hợp có biểu hiện viêm họng cấp nghi bạch hầu và có tiền sử dịch tễ trong vòng 14 ngày có đi/đến/ở từ vùng dịch là các địa phương có ghi nhận ca mắc…

– Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, biết cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Truyền thông, vận động đối tượng nguy cơ đi tiêm chủng dịch vụ vắc xin phối hợp có thành phần bạch hầu nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh hiệu quả.

– Tăng cường giám sát, quản lý cán bộ công nhân viên, người lao động, thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên tại nơi làm việc. Bố trí dung dịch sát khuẩn tại chỗ tại nơi làm việc, khu ký túc xá công nhân, đảm bảo an toàn tại khu vực sản xuất, kinh doanh và ký túc xá công nhân..

– Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo đầy đủ, kịp thời các trường hợp mắc/nghi mắc cho Trung tâm Y tế hoặc trạm y tế đóng trên địa bàn để phối hợp xử lý triệt để, không để dịch lây lan tại nơi làm việc và ra cộng đồng.

Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh