Tăng cường giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết Dengue

Tháng 11 hàng năm là thời điểm “đỉnh dịch” của bệnh sốt xuất huyết. Nhưng từ tháng 9-11 được coi là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết, do thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi và phát triển. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh từ phía người dân là việc làm hết sức cần thiết cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 353 ca, trong đó 315 ca có xét nghiệm dương tính với Dengue. Qua phân tích 95 ca xâm nhập, 01 ca ngoại lai và 219 nội địa. Hầu hết là các ca bệnh nhẹ, tuy nhiên ghi nhận 12 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo và 02 trường hợp SXH nặng. Đáng chú ý, từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình SXH trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, ghi nhận ca mắc ở nhiều địa phương, mặc dù chưa có ca tử vong nhưng tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị cũng tăng lên đáng kể.

Để kiểm soát tình hình dịch sốt xuất huyết, CDC Quảng Ninh đã phối hợp cùng với Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch. Trung tâm thực hiện giám sát, hỗ trợ triển khai các hoạt động chương trình phòng chống sốt xuất huyết tại 13/13 Trung tâm Y tế, 52 trạm y tế và 3 bệnh viện với tổng số 73 lượt; Thực hiện 81 lượt điều tra, giám sát véc tơ sốt xuất huyết Dengue tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch; 07 lượt điều tra, giám sát ổ bọ gậy nguồn SXHD tại các xã phường trọng điểm trong chương trình SXH.

Các cuộc giám sát, kiểm tra thực tiễn việc triển khai phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương của CDC Quảng Ninh cho thấy, người dân đã có ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết là cần phải diệt muỗi, bọ gậy. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy mà người dân không ngờ đến như các hộp nhựa treo cây cảnh ở bờ tường, cổng, lọ đựng hoa trong nhà hoặc những vũng nước nhỏ đọng nước trong sân nhà, sân thượng, vỏ cơm hộp, lon bia, vỏ lốp xe hỏng…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng (CDC Quảng Ninh) cho biết: Kết quả điều tra, giám sát véc tơ SXH cho thấy công tác xử lý dịch tại các địa phương được thực hiện tương đối triệt để. Bên cạnh đó, một số ít điểm giám sát có chỉ số muỗi, bọ gậy ở ngưỡng cao sau xử lý với 15/51 điểm giám sát véc tơ SXHD định kỳ tại các xã/phường có nguy cơ cao có chỉ số BI cao vượt ngưỡng gây dịch (29%); 11/30 điểm giám sát giám sát véc tơ SXHD tại ổ dịch có ca bệnh dương tính có chỉ số BI cao vượt ngưỡng gây dịch (36%). CDC Quảng Ninh đã chỉ đạo các TTYT có ca bệnh SXH thực hiện điều tra, giám sát véc tơ, vệ sinh môi trường, phun diệt chủ động khi các chỉ số véc tơ vượt ngưỡng gây dịch, khống chế dịch SXHD không lan rộng tại cộng đồng.

Nhờ sự chủ động, tích cực của các địa phương và đơn vị y tế trong triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch nên đến nay tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, theo dự báo, hiện nay đang là thời gian cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh đó tình hình sốt xuất huyết tại các địa phương khác trong khu vực đặc biệt là Thành phố Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp nên trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể sẽ tiếp tục tăng nếu không có các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và kịp thời. Để kiểm soát tình hình, cần phải có sự vào cuộc của ngành Y tế, sự tham gia chủ động và tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể và đặc biệt là người dân trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Hương (Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh) cho biết: Bệnh SXH nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh bằng nhiều biện pháp. Đơn giản và hiệu quả nhất đó là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, loại bỏ các ổ lăng quăng ngay tại chính các hộ gia đình và khu vực xung quanh. Muỗi truyền bệnh SXH thường sống ở các vùng nước sạch ở các dụng cụ chứa nước mưa, nước sinh hoạt… chứ không sống ở những khu vực nước bẩn như cống, rãnh. Vì vậy để phòng bệnh chúng ta cần làm giảm nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh bằng cách: đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước sau khi sử dụng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thay nước lọ hoa, chậu cây thủy sinh thường xuyên; xử lý các dụng cụ phế thải có thể chứa nước; Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, dọn sạch rác rưởi xung quanh khu vực sống để giúp môi trường sống trong lành, thoáng mát…

Bên cạnh đó, phòng chống muỗi đốt bằng cách: Làm lưới chắn ở cửa sổ, cửa ra vào, ngủ ban ngày phải nằm màn, mặc quần áo dài tay, sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi…

Diệt muỗi trưởng thành bằng hóa chất: sử dụng bình xịt côn trùng hàng ngày, rèm ở cửa ra vào và cửa sổ có tẩm hóa chất diệt muỗi, phun hóa chất diệt muỗi định kì hoặc khi có chỉ định của Y tế.

Ngoài ra, nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu sốt xuất huyết thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, bệnh sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nên tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh sốt xuất huyết có những dấu hiệu rất dễ nhận biết, người bệnh sau khi nhiễm bệnh sẽ bị sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày, dấu hiệu xuất huyết sẽ bắt đầu từ ngày thứ ba với những chấm xuất huyết hoặc chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa, suy đa tạng, rối loạn đông máu…Bệnh nhân sốt xuất huyết trường hợp nhẹ sẽ khỏi bệnh sau 7 ngày. Bệnh diễn tiến nặng hay nhẹ là do đáp ứng của miễn dịch cơ thể người bệnh với mầm bệnh.

Quỳnh Trang (CDC)