Từ ngày 28 – 30/8/2023, Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức lớp Tập huấn chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho gần 30 học viên là cán bộ Khoa Phụ sản – CSSKSS, Khoa Nhi và cán bộ phụ trách chương trình CSSKSS – dinh dưỡng tại các Trạm Y tế xã/thị trấn trên địa bàn thành phố.

Học viên tham dự lớp tập huấn
1000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi, đây là giai đoạn duy nhất tạo nền tảng cho sự phát triển tối ưu nhất của trẻ. Dinh dưỡng đúng và đủ trong giai đoạn này không những bảo vệ sức khoẻ cho bà mẹ mà còn giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng về thể chất và trí tuệ, nâng cao trình độ học vấn và thành tích học tập của trẻ trong tương lai, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như béo phì, đái tháo đường, tim mạch… Bởi vậy, người ta thường gọi thời gian này là “1000 ngày vàng”. Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng về Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của trẻ cho nhân viên Y tế thôn bản là hoạt động hết sức cần thiết giúp tăng hiệu quả tiếp cận thông tin, duy trì quản lý và kiểm soát tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn thành phố nói riêng và sức khoẻ bà mẹ, trẻ em nói chung.

Quang cảnh lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, giảng viên Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã truyền đạt các nội dung về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho bà mẹ, trẻ em, trong đó tập trung vào tầm quan trọng của dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng; Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú; Chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ; Tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ; Thức ăn bổ sung, chế độ và tầm quan trọng của ăn bổ sung; Đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ; Kỹ năng tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng trẻ em…
Với phương pháp giảng dạy tích cực lồng ghép lý thuyết với thực hành, qua lớp tập huấn các học viên được nâng cao hơn các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ Y tế thôn bản về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc chăm sóc 1.000 ngày đầu đời cho trẻ, đồng thời thực hiện tốt việc tuyên truyền và hướng dẫn chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai cũng như nuôi con bằng sữa mẹ hợp lý tại cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em tại địa phương, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng tại cộng đồng.
Thanh Nga (CDC)