Ngày 7/6/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn giám sát, phòng chống và phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam” cho hơn 40 học viên là cán bộ chuyên trách tại 13 Trung tâm Y tế huyện/thị xã trên địa bàn tỉnh.

Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều dự án phòng, chống bệnh ký sinh trùng đã được triển khai thành công và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ nhiễm giun, sán đối với các nhóm đối tượng đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, mầm bệnh và khả năng nhiễm bệnh vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, từ năm 2024 – 2025, Quảng Ninh sẽ tiến hành phân vùng dịch tễ đối với các bệnh ký sinh trùng thường gặp, đây là việc hết sức quan trọng giúp định hướng các kế hoạch can thiệp, thực hiện các chương trình quốc gia phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp trong những năm tiếp theo. Đồng chí đề nghị các học viên nghiêm túc học tập, tập trung nắm bắt thật kỹ các nội dung kiến thức được cung cấp để nâng cao năng lực chuyên môn và triển khai tốt hoạt động tại cơ sở.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa KST, Viện Sốt rét-KST-CT Trung ương trình bày nội dung giảng dạy tại lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, học viên đã được các giảng viên Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cung cấp thông tin tổng quan về tình hình nhiễm bệnh ký sinh trùng (KST) trên thế giới và tại Việt Nam; Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng chống một số bệnh KST tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành năm 2021; Tình hình nhiễm bệnh KST và kết quả các hoạt động phòng chống đã triển khai tại Quảng Ninh; Kế hoạch phân vùng dịch tễ một số bệnh ký sinh trùng tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; Hướng dẫn lấy mẫu, phương pháp xét nghiệm Kato-Katz trong điều tra phân vùng dịch tễ bệnh KST; Hướng dẫn biểu mẫu báo cáo giám sát, phòng chống bệnh KST thường gặp tại Việt Nam theo QĐ 1744/QĐ-BYT; Hướng dẫn đánh giá, thu thập số liệu và xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh KST thường gặp tại Việt Nam,…

Học viên tham dự lớp tập huấn
Qua đó, giúp các cán bộ chuyên trách công tác phòng chống bệnh KST, côn trùng tại địa phương được củng cố, nâng cao kiến thức, tạo tiền đề cơ sở cho việc triển khai phân vùng dịch tễ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chụp ảnh lưu niệm với các thành viên lớp tập huấn
Lớp tập huấn dự kiến diễn ra trong 03 ngày từ 7 – 9/6/2023 tại TP. Hạ Long.
Thanh Nga (CDC)
– Các bệnh ký sinh trùng (gọi chung là giun, sán) ở người là bệnh truyền nhiễm thường gặp phổ biến, hàng đầu phải kể đến là bệnh về giun, sán như: Bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn. Khoảng 70 – 80% người dân nhiễm ít nhất một loại giun. Hiện nay, đã xác định được trên 100 loại giun tròn và 140 loại sán có khả năng gây bệnh cho người. Bệnh ký sinh trùng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hoá ở người; nặng có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh đã có phác đồ điều trị và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm. – Mặc dù trong những năm gần đây tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và nguồn nước sạch tại các địa phương trên toàn tỉnh tăng dần, tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân nuôi gia súc thả rông, sử dụng phân tươi để trồng hoa màu, nuôi cá, thói quen đi chân đất, nhiều hộ gia đình nuôi chó, mèo…, cộng thêm thói quen ăn rau sống, gỏi cá, tiết canh, đồ tái, sống nên nguy cơ lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng giun, sán là rất cao. – Nhóm bệnh ký sinh trùng thường gặp tại tỉnh: Bệnh giun truyền qua đất (bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc); bệnh giun đường ruột khác (bệnh giun kim); bệnh sán lá truyền qua thức ăn (sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn); bệnh giun, sán lây truyền từ động vật sang người (sán dây/ấu trùng sán lợn, sán dây chó, bệnh ấu trùng giun đầu gai, ấu trùng giun đũa chó mèo). |