Trong tháng 02/2024, cả nước ghi nhận 3.497 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tích luỹ từ đầu năm đến hết tháng hai, cả nước ghi nhận 4.873 trường hợp mắc, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tại tỉnh Quảng Ninh, trong hai tháng đầu năm, theo số liệu giám sát của Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận 11 ca tay chân miệng lâm sàng ( tại thành phố Hạ Long 3 ca, thị xã Đông Triều 3 ca, huyện Ba Chẽ 2 ca, huyện Hải Hà 2 ca, thị xã Quảng Yên 1 ca). Trong đó, kết quả xét nghiệm 04 ca dương tính với vi rút EV71.
Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16.
Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng tay chân miệng. Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, có thể áp dụng các biện pháp sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng để phòng bệnh tay chân miệng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Hải Ninh, CDC