Bệnh Lao do trực khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra. Đây là loại trực khuẩn có thể lây truyền qua không khí. Khi nhiễm vi khuẩn lao, bệnh nhân dễ bị các biến chứng về phổi và cũng có thể lây lan sang xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim, màng não và các cơ quan khác. Vì vậy, tất cả mọi người đều cần được tiêm vắc xin phòng bệnh Lao.
Từ năm 1981, Bộ Y tế đã đưa vắc xin phòng bệnh Lao vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện áp dụng cho trẻ sơ sinh có đủ điều kiện sức khỏe. Việt Nam đang sử dụng vắc xin phòng bệnh Lao BCG và Bộ Y tế khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh với cân nặng trên 2kg.
Tiêm vắc xin phòng bệnh Lao cho trẻ ở giai đoạn sau 1 năm tuổi chỉ có tác dụng phòng bệnh khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm khuẩn lao. Các trường hợp nếu đã xác định chính xác trẻ nhiễm lao thì việc tiêm phòng lúc này là không cần thiết và nên thận trọng vì nguy cơ phản ứng phụ sau tiêm thường tăng cao. Trẻ em trên 1 tuổi và người lớn có nguy cơ mắc bệnh lao cũng có thể tiêm chủng trong một số trường hợp đặc biệt hoặc theo sự chỉ định của bác sĩ.
Chị Vũ Thúy Nga – Phó trưởng Trạm Y tế phường Hà Tu, thành phố Hạ Long cho biết: “Trước khi cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh Lao, phụ huynh cần lưu ý không để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng; chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước hay không… từ đó, kết hợp với khám sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm, cán bộ y tế sẽ quyết định trẻ có đủ điều kiện tiêm chủng hay không, đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, hạn chế các phản ứng sau tiêm.”
Hoãn tiêm vắc xin BCG với những trường hợp trẻ đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân (dưới 2kg). Với những trẻ sinh non, những trẻ có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì đợi đến khi trẻ có thể trạng tốt, cần tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh Lao càng sớm càng tốt.
An toàn tiêm chủng không chỉ là vấn đề chất lượng vắc xin hay tuân thủ quy trình kỹ thuật của nhân viên y tế, mà còn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà sau khi tiêm. Gia đình chú ý tuân thủ theo dõi trẻ sau tiêm chủng: 30 phút tại điểm tiêm và ít nhất 24 giờ sau tiêm, cho trẻ ăn uống bình thường sau tiêm, khi trẻ sốt có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm, cần liên lạc với cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.
Giống như các loại vắc xin khác, BCG có thể gây ra một số tác dụng phụ. Nếu sau tiêm trẻ bị sốt nhẹ, sưng hạch ở hõm nách bên cánh tay được tiêm thuốc, có quầng đỏ ở vị trí tiêm, loét nhẹ và để lại sẹo (trong vòng 6 tuần sau tiêm) thì đó là những phản ứng bình thường, cho thấy trẻ đã đáp ứng miễn dịch. Trường hợp trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái… cần đưa trẻ trẻ tới cơ sở y tế. Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.
Hiện nay, vắc xin phòng bệnh Lao (BCG) có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tổ chức tiêm miễn phí tại các Trạm Y tế xã/phường. Tiêm vắc xin phòng bệnh Lao là biện pháp phòng chống hiệu quả. Vắc xin BCG có thể không chống lại hoàn toàn sự xâm nhập của vi khuẩn lao gây bệnh, nhưng có khả năng hạn chế tối đa nguy cơ các thể lao nặng và các biến chứng lao nguy hiểm như lao xương, lao khớp, lao kê, lao màng não. Vì vậy, hãy phòng bệnh Lao bằng việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ càng sớm càng tốt theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hải Ninh – CDC