Có một nghề hi sinh thầm lặng, chẳng quản vất vả ngày đêm chăm sóc toàn diện cho rất nhiều người không phải thân nhân – thế nhưng công sức, tình cảm trao đi, điều họ nhận lại là món quà tinh thần vô giá: sức khỏe, nụ cười và sự trân quý của người bệnh. Chúng tôi đang nói tới những cán bộ Điều dưỡng – người đồng hành tin cậy của bác sĩ trong chăm sóc và cứu chữa người bệnh.
Chặng đường hình thành và phát triển của ngành Điều dưỡng trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã diễn ra đầy chông gai nhưng ngập tràn vinh quang. Để thực hiện sứ mệnh cao cả và thiêng liêng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người bệnh không thể thiếu bóng dáng của người điều dưỡng. Không giống như sự phát triển của ngành Điều dưỡng ở các nước Châu Âu. Ở Việt Nam từ xa xưa vốn không có ngành Điều dưỡng, từ thời phong kiến chỉ xuất hiện các thầy lang tự mình kê thuốc cho người bệnh. Trải qua các cuộc đấu tranh chống Thực dân – Đế quốc xâm lược, số thương bệnh binh ngày càng nhiều, căn bản Bác Sĩ không thể tự mình lo hết và nhu cầu thiết yếu đề ra là cần những người phụ tá biết sử dụng những kỹ thuật, vật tư Y tế cơ bản để trợ giúp. Từ đó Các lớp học Y tá – Điều dưỡng được mở ra, đứng trước nhiệm vụ mang tính chất dân tộc vai trò của những Điều dưỡng viên trở lên quan trọng hơn bao giờ hết.

Điều dưỡng luôn là người ở gần với bệnh nhân nhất, sau bác sĩ
Đến năm 1986, khi kỳ Đại hội 6, kỳ Đại hội đánh dấu bước ngoặt của đất nước diễn ra, tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội thay đổi toàn diện. Bộ Y tế bắt đầu xác định thành lập những trường đào tạo ngành Y trọng điểm. Từ đó Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chính thức được xây dựng, trở thành 2 trường có chuyên khoa đào tạo Điều dưỡng đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1990, các Sở Y tế đã được thành lập khắp các địa phương trong cả nước, nhận thấy cần có một tổ chức sự nghiệp đảm bảo được quyền lợi cho ngành Điều dưỡng, đặc biệt là các Điều dưỡng viên. Đến ngày 26/10/1990, Hội Điều dưỡng Việt Nam chính thức được thành lập. Kể từ đó ngày 26 hằng năm được quy định là ngày Điều dưỡng Việt Nam với mục tiêu duy nhất là đào tạo nên những Điều dưỡng viên chất lượng, phấn đấu vì sức khỏe của cộng đồng.
Là một trong những hội viên “tích cực” của Hội Điều dưỡng Việt Nam, trong những năm gần đây Hội Điều dưỡng tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Với tổng số hơn 3300 hội viên, trong đó trình độ sau đại học và Đại học chiếm 33,84%, còn lại là Cao đẳng. Hoạt động của Hội điều dưỡng luôn gắn liền với các phong trào của ngành y tế như: Chăm sóc người bệnh toàn diện, các hội thi Điều dưỡng giỏi – thanh lịch, Giao tiếp tốt, Tiêm an toàn, Quản lý chất lượng, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Điều dưỡng.. v.v.. đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu chung của ngành y tế.

Thực hiện tốt chuyên môn với tấm lòng luôn hết mình vì người bệnh
Chiếm số lượng đông đảo nhất trong đội ngũ cán bộ viên chức người lao động tại các đơn vị y tế, những điều dưỡng viên là một bộ phận không thể thiếu, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của đơn vị và toàn Ngành. Bằng sự nhiệt huyết và tình yêu nghề, hàng ngày hàng giờ các điều dưỡng vẫn tận tình chăm sóc bệnh nhân. Mỗi người bệnh có một tính cách khác nhau, đòi hỏi điều dưỡng phải luôn sát sao, nắm bắt rõ tâm lý của người bệnh, từ đó phối hợp cùng bác sỹ tìm ra phương án điều trị bệnh hiệu quả nhất.. Ngoài những hoạt động chuyên môn, các điều dưỡng viên cũng luôn dành thời gian thăm hỏi, an ủi bệnh nhân, người nhà người bệnh yên tâm điều trị, sớm phục hồi sức khỏe. Họ yêu thương người bệnh như chính người thân trong gia đình của mình. Có lẽ niềm vui lớn nhất của người điều dưỡng là khi được nhìn thấy bệnh nhân mình chăm sóc ngày càng hồi phục, sức khỏe của bệnh nhân ổn định khi ra viện. Những lời cảm ơn, lời động viên hay những lá thư cảm ơn, bài thơ viết thay lời chào tạm biệt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi ra về đều là nguồn động viên tinh thần cho không chỉ các điều dưỡng mà cả đội ngũ nhân viên y tế đều cảm thấy ấm lòng.

Những điều dưỡng viên luôn tận tình, kiên nhẫn với từng bệnh nhân
Làm người điều dưỡng có khi hằng ngày phải chứng kiến bệnh nhân truyền hoá chất, trị xạ, phải vật lộn để chiến đấu giữa sự sống và cái chết cận kề, nhưng với lòng yêu nghề và với kiến thức chuyên môn của mình, thì những người điều dưỡng ấy luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu trong công việc, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh và các nhiệm vụ khác được Tỉnh, Ngành giao phó. Cần mẫn, âm thầm, lặng lẽ ngày đêm chăm sóc cho người bệnh, không thở than, không trách móc, miễn sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái nhất. Dù công việc có vất vả bao nhiêu, có khó khăn như thế nào thì vẫn không ngăn được những nụ cười thân thiện luôn rạng rỡ trên môi của họ, khi được hằng ngày chăm sóc và phục vụ người bệnh.
Bất cứ Nghề nào đi nữa, cũng cần có tâm, nghề Điều dưỡng nói riêng và nghề Y nói chung thì lại cần điều này hơn nữa, khi hằng ngày phải chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, bao căn bệnh hiểm nghèo. Dù vất vả nhưng các Điều dưỡng vẫn luôn cống hiến hết mình cho Nghề, vì Nghề và vì niềm tin nơi người bệnh.Kỷ niệm ngày Điều dưỡng Việt Nam (26/10) xin gửi lời chúc tới toàn bộ cán bộ Điều dưỡng/Kĩ thuật viên đang công tác tại các đơn vị y tế luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục phát triển nghề nghiệp của mình. Luôn nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thanh Nga (CDC)