Vắc xin Cúm và những lưu ý cần biết trước khi tiêm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi rút cúm gây ra, tình trạng bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nguy kịch. Đối với các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt đối với những người như người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người có tình trạng sức khỏe nhất định, có nguy cơ cao bị các biến chứng cúm nghiêm trọng. Có hai loại vi rút cúm chính là A và B, hai loại virus này thường lây lan ở người và là nguyên nhân chính gây ra các vụ dịch cúm theo mùa mỗi năm. Để tìm hiểu rõ hơn về vắc xin cúm và những lưu ý cần biết trước khi tiêm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả về vấn đề này.

PV: Đối với bệnh có tính lây nhiễm và tỉ lệ biến chứng cao như cúm thì nhóm đối tượng nào nên tiêm phòng cúm? Và tại sao chúng ta nên tiêm vắc xin cúm hằng năm?

Bác sĩ Cúc: Bất kỳ ai từ 6 tháng tuổi trở lên, có bệnh nặng hay không, đều nên tiêm phòng cúm. Tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới cũng đặc biệt khuyến cáo tiêm vắc xin cúm mùa hàng năm cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:

  • Trẻ em từ 6 tháng – 5 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Người già trên 65 tuổi.
  • Những người mắc các bệnh mạn tính.
  • Các nhân viên y tế.

Vì vi rút cúm phát triển biến thể mới hằng năm, nên vắc xin năm ngoái không thể bảo vệ bạn khỏi chủng vi-rút mới của năm nay. Thuốc chủng ngừa cúm được phát hành hàng năm để bắt kịp với các loại vi-rút cúm thích ứng nhanh chóng. Khi tiêm chủng đúng, định kỳ, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể để bảo vệ bạn khỏi các loại vi rút có trong vắc xin. Nhưng mức độ kháng thể có thể giảm theo thời gian, do đó khuyến cáo mọi người nên tiêm vắc xin cúm hằng năm.

Tiêm vắc xin phòng cúm mùa tại Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả

PV: Nếu đã tiêm vắc xin phòng cúm rồi thì có bị cúm lại hay không và nên tiêm vào thời điểm nào là thích hợp nhất?

Bác sĩ Cúc: Tiêm phòng cúm giúp bảo vệ bạn phòng ngừa không bị mắc cúm. Song vẫn có trường hợp tiêm phòng cúm rồi vẫn bị mắc do vắc xin chưa đủ thời gian tác động hoặc chủng cúm mắc phải không có trong vắc xin… Mùa cúm cao điểm nhất thường gặp vào mùa thu và mùa đông, vì vậy mọi người thường tiêm phòng cúm vào giữa tháng 9, tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, virus cúm có quanh năm, do đó có thể tiêm vaccine phòng cúm bất kỳ lúc nào, trước 2 tuần hoặc 1 tháng khi chuẩn bị vào mùa cao điểm.

PV: Cơ chế hoạt động của vắc xin cúm khi đi vào cơ thể là gì?

Bác sĩ Cúc: Vắc-xin cúm tạo ra các kháng thể phát triển trong cơ thể khoảng hai tuần sau khi tiêm chủng. Các kháng thể này cung cấp sự bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của các vi rút được sử dụng để tạo ra vắc xin. Thuốc chủng ngừa cúm theo mùa bảo vệ chống lại các vi-rút cúm mà nghiên cứu chỉ ra rằng sẽ phổ biến nhất trong mùa sắp tới. Hầu hết các loại vắc xin cúm ở Hoa Kỳ đều bảo vệ chống lại bốn loại vi rút cúm khác nhau : vi rút cúm A (H1N1), vi rút cúm A (H3N2) và 2 vi rút cúm B. Ngoài ra còn có một số vắc-xin cúm bảo vệ chống lại ba loại vi-rút cúm khác nhau bao gồm: vi rút cúm A (H1N1), vi rút cúm A (H3N2) và vi rút cúm B. Hai trong số các loại vắc xin hóa trị ba được thiết kế đặc biệt cho những người từ 65 tuổi trở lên để tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Tiêm vắc xin cúm mùa cho cán bộ nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả

PV: Các phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm là gì?

Bác sĩ Cúc: Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm phòng cúm bao gồm đau nhức, mẩn đỏ và / hoặc sưng tấy nơi tiêm, nhức đầu (mức độ nhẹ), sốt, buồn nôn, đau cơ và mệt mỏi.

PV: Vắc xin cúm có ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai hay không?

Bác sĩ Cúc: Bị cúm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng khi bạn đang mang thai. Ngay cả khi sức khỏe bạn đang duy trì tốt, những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi trong thời kỳ mang thai khiến bạn dễ bị các biến chứng nặng từ cúm mùa. Phụ nữ mang thai (và hai tuần sau sinh) bị cúm có nguy cơ cao phát triển bệnh nghiêm trọng, kể cả phải nhập viện.

Khi tiêm phòng cúm, cơ thể sẽ bắt đầu tạo ra các kháng thể giúp bảo vệ bạn chống lại bệnh cúm. Các kháng thể cũng được truyền cho em bé đang phát triển của bạn và giúp bảo vệ chúng trong vài tháng sau khi sinh. Điều này rất quan trọng vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để chủng ngừa cúm. Nếu bạn cho trẻ bú sữa mẹ, các kháng thể cũng có thể được truyền qua sữa mẹ. Mất khoảng hai tuần để cơ thể bạn tạo ra kháng thể sau khi chủng ngừa cúm.

PV: Trường hợp nào cần chống chỉ định tiêm vắc xin phòng Cúm?

Bác sĩ Cúc: Đối với nhóm đối tượng dưới đây, chống chỉ định tiêm vắc-xin cúm

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để tiêm phòng cúm.
  • Những người bị dị ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng với vắc xin cúm hoặc bất kỳ thành phần nào trong vắc xin. Thành phần dị ứng có thể bao gồm gelatin, thuốc kháng sinh, hoặc các thành phần khác.

Tuy nhiên, nếu bạn có một trong các tình trạng sau, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ lựa chọn loại vắc-xin phù hợp:

  • Dị ứng với thuốc hoặc bất kì thành phần nào của vắc xin
  • Người đã từng mắc Hội chứng Guillain-Barré (một căn bệnh liệt nặng, còn được gọi là GBS). Một số người có tiền sử GBS cũng không nên chủng ngừa cúm.
  • Tình trạng sức khoẻ không ổn định trong ngày đi tiêm.

PV: Vậy có nên tiêm phòng cúm liều thứ 2 nếu mùa cúm kéo dài hay không? 

Bác sĩ Cúc: Thông thường, một mũi tiêm phòng cúm mỗi mùa là đủ bảo vệ cơ thể đến mùa cúm tiếp theo. Tuy nhiên, một số người bị suy giảm miễn dịch, như bệnh nhân ung thư đang điều trị hoặc những người bị suy giảm hệ miễn dịch, có thể cần tiêm phòng cúm thứ hai sau 6 tháng. Việc có cần tiêm mũi phòng cúm tăng cường hay không cần có tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Ngọc Phượng (CDC)