Việc các nhà khoa học phát minh ra vắc xin vào năm 1796 là một thành tựu y học vĩ đại của nhân loại. Kể từ khi vắc xin ra đời, loài người đã thực sự có được một loại vũ khí hữu hiệu để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Về bản chất, việc tiêm chủng chính là sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động, đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó và cũng chính nhờ có vắc xin mà hằng năm trên thế giới đã cứu sống khoảng 3 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm.
Tại Việt Nam, nhờ triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981, bệnh bại liệt đã được thanh toán thành công từ năm 2000, uốn ván sơ sinh được loại trừ vào năm 2005, các bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, viêm não Nhật Bản, Sởi… cũng đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kì trước tiêm chủng.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Nếu trẻ em mà không được tiêm chủng, các con sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như Sởi, quai bị, rubella…từ đó dẫn đến việc các con phải nhập viện và thậm chí là tử vong. Và khi các con phải nhập viện như thế, bố mẹ cũng sẽ mất thời gian chăm sóc các con, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.”

Hoạt động tiêm chủng được triển khai thường xuyên tại tất cả các Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh
Theo thống kê, đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh, khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân, và tiêm chủng thực sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Tuy nhiên dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêm chủng các bệnh khác cho trẻ nhỏ.
“Trong thời gian dịch vừa rồi, số lượng trẻ tới tiêm chủng cũng giảm đi đáng kể do tâm lý lo ngại chung của phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng sẽ tiếp xúc với nhiều người và lâu dần thì là bố mẹ quên luôn thời gian tiêm chủng. Việc trì hoãn tiêm chủng cho trẻ sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ phía sau bởi các mũi vắc xin tiêm chủng đều để phòng các bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ vắc xin COVID-19 quan trọng mà kể cả người lớn, trẻ em đều nên tiêm chủng các loại vắc xin khác đặc biệt là các loại vắc xin liên quan đến bảo vệ đường hô hấp như vắc xin phòng cúm, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Khi tiêm phòng đầy đủ như vậy mình sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Phải có nhiều cá thể trong cộng đồng được tiêm chủng thì tỷ lệ bảo vệ chung mới cao được.” Bác sĩ Huyền cho biết thêm.

Không phân biệt người lớn hay trẻ em, việc tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm là hết sức quan trọng
Các nghiên cứu cho thấy vắc xin giúp bảo vệ cơ thể mạnh mẽ chống lại nguy cơ bị tình trạng COVID-19 nặng, tử vong ngay cả khi xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm, dễ lây lan và gây biến chứng nặng. Trong đại dịch COVID-19, vắc xin giúp hạn chế tối đa tình trạng nhầm lẫn triệu chứng giữa COVID-19 với cúm mùa và một số bệnh hô hấp khác. Số trường hợp nặng phải nhập viện giảm, thời gian điều trị cũng được rút ngắn hơn do tắc động tích cực của vắc xin với sức đề kháng của cơ thể. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã và đang được kiểm soát tốt tại nhiều địa phương nhưng lại ghi nhận sự gia tăng của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là tiêm phòng vắc xin chủ động. Do đó, nhớ lịch tiêm chủng và tiêm chủng đầy đủ là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khoẻ trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc giúp bảo vệ sức khoẻ, vắc xin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Tất cả những điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống và nâng cao sức khoẻ của cộng đồng.
Thanh Nga (CDC)