Phục hồi chức năng sau đột quỵ nhằm mục đích bảo vệ hoặc cải thiện tầm vận động, cơ lực, chức năng ruột và bàng quang, khả năng hoạt động chức năng và khả năng nhận thức. Bệnh nhân cần phải tham gia vào chương trình phục hồi chức năng có giám sát bởi bác sĩ và chuyên gia trị liệu, khả năng học tập, động lực và kỹ năng đối phó thì mới đem lại hiệu quả trong điều trị.
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Do đó, người đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết, những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khoẻ suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt hoặc cử động yếu 1 phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ có tác dụng lớn trong việc cải thiện các chức năng vận động cho người bệnh
Bà Trần Thị Thành 68 tuổi, Thái Thuỵ, Thái Bình bị đột quỵ đến nay đã được 3 năm, từng điều trị tại nhiều nơi, sử dụng nhiều loại thuốc nhưng kết quả không mấy tích cực. Sau đó bà được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng Quảng Ninh, đến nay sức khoẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bà chia sẻ: “Tôi giờ đỡ hơn nhiều rồi, nếu trước kia tôi không đi lại được, nói chuyện khó khăn thì nay tôi đã dễ chịu hơn trong việc đi lại và giao tiếp. Hằng ngày tôi tập vận động với máy, tự tập cùng mọi người và xoa bóp, xương cốt đã bớt co cứng, sức khoẻ cũng cải thiện nhiều. Ở đây các bác sĩ nhiệt tình, môi trường bệnh viện thì thoải mái, dễ chịu nên mọi người điều trị cũng thoải mái hơn nhiều.”
Hay như trường hợp của anh Trần Văn Khánh, 37 tuổi, phường Bạch Đằng, Thành phố Hạ Long, nhập viện từ tháng 5/2023 do tai biến, xuất huyết não khiến khả năng đi lại, vận động bị hạn chế. Sau khi được điều trị và phục hồi chức năng, đến nay tình trạng sức khoẻ đã ổn định, đối với những chức năng hạn chế đã có thể hồi phục đến hơn 70%. Dù còn khá trẻ so với độ tuổi trung bình của những người bị đột quỵ và không có bệnh lý nền, nhưng sau lần nhập viện này, anh đã biết cẩn trọng hơn với sức khoẻ của mình. Anh chia sẻ: “Đợt này điều trị xong về tôi sẽ chăm sóc bản thân mình nhiều hơn, thay đổi các thói quen xấu, không hút thuốc, uống rượu bia và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Phải vào viện rồi mới thấy, bị bệnh khổ lắm, vừa khổ cho mình mà còn khổ cho những người xung quanh. Nên mình phải tự có trách nhiệm với sức khoẻ của bản thân.”
Thực hiện các bài tập xoa bóp, giảm căng cứng cho người bệnh
Khoa Vật lí trị liệu, Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng Quảng Ninh hàng năm tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân điều trị phục hồi chức năng sau đột quỵ não. Người thì bị tê hoặc yếu cơ ở một bên cơ thể, người thì có dấu hiệu thay đổi thị lực ở mắt, người thị bị méo mồm, khó khăn trong ăn uống, có người lại bị nhức đầu nghiêm trọng không rõ nguyên nhân, cảm thấy chóng mặt, khó khăn trong đi lại, khó cử động, nói ngọng, nói khó hay rối loạn cảm xúc, trí nhớ, … Mấu chốt trong quá trình điều trị bệnh nhân đột quỵ chính là thời gian, vậy nên việc phát hiện càng sớm, điều trị kịp thời thì cơ hội sống sót của người bệnh càng cao. Để chẩn đoán đột quỵ một cách chính xác, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ tăng trưởng của cục máu đông hoặc mức độ lan rộng của ổ xuất huyết. Bên cạnh đó việc chụp CT có thể giúp bác sĩ tìm hiểu được các triệu chứng đột quỵ do ổ xuất huyết hay do các cục máu đông. Một số xét nghiệm khác có thể được thực hiện nhằm mục đích tìm ra nơi cục máu đông hoặc vị trí chảy máu trong não của người bệnh. Đối với mỗi bệnh nhân đều được chẩn đoán nguyên nhân gây đột quỵ và xác định rõ dạng đột quỵ để có phác đồ điều trị phù hợp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tự, Khoa Vật lí trị liệu, Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng cho biết: “Thời gian vàng để phục hồi chức năng sau đột quỵ não là sau 24 tiếng. Nếu bệnh nhân có các tình trạng ổn định thì sẽ phục hồi chức năng sớm từ sau 20 tiếng sau khi được cấp cứu đột quỵ não. Nếu không được can thiệp phục hồi chức năng sớm thì bệnh nhân có thể dẫn đến các nguy cơ như các tổn thương thứ phát như: rối loạn chức năng hô hấp, khả năng nuốt, thương tật thứ cấp như loét do nằm lâu tì đè, teo cơ cứng khớp do bất động lâu ngày, ít vận động.”
Trên thực tế, loại đột quỵ thường gặp là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não. Đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ việc điều trị khẩn cấp tập trung vào sử dụng thuốc để khôi phục lại lưu lượng máu, sử dụng thuốc làm tan cục máu đông sẽ giúp bệnh nhân đột quỵ giảm nguy cơ đối mặt với sự nguy hiểm một cách kịp thời. Đối với đột quỵ xuất huyết não, tuỳ thuộc vào tình trạng xuất huyết hoặc máu tụ của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Việc điều trị thường nhằm cố gắng kiểm soát huyết áp cao và tình trạng chảy máu não.
Người bệnh luôn được theo dõi tình trạng sức khoẻ bởi các bác sĩ có chuyên môn cao tại Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng Quảng Ninh
Bệnh nhân sống sót sau đột quỵ có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề về sức khoẻ. Những vấn đề này có thể là vĩnh viễn nhưng một số trường hợp người bệnh vẫn có thể phục hồi được một số hoặc hầu hết các khả năng của họ như trước đây. Sau đột quỵ, chức năng nói, vận động và cảm giác thường bị ảnh hưởng nhiều nhất, vậy nên cần có những bài tập trị liệu thích hợp để phục hồi các chức năng này.
Theo bác sĩ Tự, đối với từng giai đoạn khác nhau người bệnh sẽ có những chương trình phục hồi chức năng riêng. Với giai đoạn sớm, từ 24h đầu đến 3 tháng sau đợt đột quỵ thì chủ yếu là duy trì tầng vận động cho bệnh nhân, thúc đẩy sự hồi phục của tế bào thần kinh, kèm theo đó là dự phòng những thương tật thứ cấp về đường hô hấp, đường tiết niệu, chế độ ăn dinh dưỡng, rối loạn nuốt cũng như những vấn đề liên quan đến teo cơ cứng khớp sau này của người bệnh. Sau giai đoạn phục hồi chức năng sớm, sẽ có những giai đoạn điều trị mãn tính sau đó, từ khoảng 3 tháng đổ ra, tuỳ vào khả năng thích nghi và sự hồi phục của người bệnh thì sẽ có chương trình phục hồi chức năng riêng về vận động trị liệu, giúp người bệnh thích nghi dần với tình trạng bệnh của mình và tham gia nhiều hơn với cuộc sống hàng ngày.
Tại Bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh hiện đang áp dụng rất nhiều phương pháp để phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ. Về vận động trị liệu, bệnh viện áp dụng theo phương pháp tập BOBATH và kích thích thần kinh bản thể (PNF). Các phương pháp về hoạt động trị liệu như gương trị liệu, trị liệu vận động cưỡng bức sẽ giúp bệnh nhân kích thích sự hồi phục của tế bào não, kích thích sự hồi phục của tay chân bị liệt. Bên cạnh đó, tại các khoa chuyên môn, việc kết hợp phương pháp vật lí trị liệu như kích thích từ trường xuyên sọ, điện xung trị liệu, laser nội mạch với những bệnh nhân có tình trạng nhồi máu não cũng thường xuyên được áp dụng. Không chỉ điều trị trực tiếp, bệnh viện còn hỗ trợ bệnh nhân dự phòng những thương tật thứ cấp bằng các dụng cụ chỉnh hình để nâng đỡ, hỗ trợ bệnh nhân trong trường hợp cơ lực yếu, khó khăn trong vấn đề di chuyển. Đến nay có thể thấy, đa số các trường hợp điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện đều có những chuyển biến tích cực, tỉ lệ tái lại thấp, khả năng đáp ứng của người bệnh tốt và hồi phục nhanh. Bác sĩ Tự cho biết thêm.
Bên cạnh các bài tập vận động, bệnh viện Lão khoa – Phục hồi chức năng tỉnh còn sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị của người bệnh
Tình trạng của mỗi người bệnh thường không giống nhau, do đó đối với những bài tập phục hồi chức năng chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ hay kĩ thuật viên, người bệnh không nên tự ý thực hiện tại nhà. Nếu bệnh nhân tự tập hoặc được điều trị tại nhà bởi các y bác sĩ chưa đủ chuyên môn khi lực tập không đủ hoặc các bài tập không phù hợp theo từng giai đoạn bệnh sẽ làm chậm trễ thời gian vàng phục hồi cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp sau một thời gian tự điều trị phục hồi chức năng tại nhà quay trở lại bệnh viện tái khám thì đã trong tình trạng yếu liệt nhiều, teo cơ, cứng khớp, cơ không có lực, dáng đi xấu… lúc đó phục hồi sẽ càng khó khăn hơn. Vì vậy, người bệnh nên sớm đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và cho chỉ định tập phục hồi chức năng tối ưu nhất. Bên cạnh đó, bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc huyết áp, tiểu đường hoặc tự uống các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc sẽ dễ làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ.
Với mức độ nguy hiểm của đột quỵ có thể khiến cho người bệnh đối diện với di chứng tàn tật thậm chí là tử vong. Thực hiện lối sống lành mạnh luôn là cách tốt nhất để những người đã từng bị đột quỵ ngăn chặn tình trạng này xảy ra một lần nữa và kể cả với những người chưa từng bị đột quỵ.
Thanh Nga, Tuấn Anh (CDC)