Virus RSV (virus hợp bào hô hấp) là một trong những nguyên nhân thường gặp gây bệnh đường hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phổi) ở trẻ em. Virus này có tốc độ lây lan nhanh, chỉ sau virus cúm, ước tính cứ 1 trẻ nhiễm virus có khả năng lây cho 5 trẻ khác. Do đó, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe doạ tính mạng của trẻ.
Ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trong 2 tháng trở lại đây, số trường hợp trẻ nhiễm virus RSV nhập viện gia tăng, cao điểm có đợt trên 50 ca điều trị nội trú với nhiều trường hợp diễn biến nặng. Thông thường hàng năm, vào khoảng tháng 10-12 mới là thời điểm số trẻ nhiễm virus RSV tăng cao, nhưng năm nay bệnh đến muộn với nhiều biến chứng nặng hơn ở trẻ. Diễn biến ca bệnh cũng có chiều hướng phức tạp hơn, nguyên nhân một phần do thay đổi thời tiết cùng với sự biến đối cấu trúc gen của RSV. Thêm vào đó, các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất dễ nhầm với cảm cúm thông thường ở trẻ, do đó việc chủ động phòng ngừa bệnh cho trẻ là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Virus hợp bào hô hấp (RSV – respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân hàng đầu “tấn công” và gây các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Virus hợp bào RSV có tốc độ lây lan nhanh và khả năng biến chứng cao ở trẻ em và người có bệnh lý nền
Triệu chứng của bệnh nhẹ, giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành nhiễm trùng phổi, đặc biệt nguy cơ cao ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, bệnh nền mạn tính… Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8 – 22% trên toàn thế giới.
Virus hợp bào hô hấp đi vào cơ thể qua mắt, mũi hay miệng, lây lan dễ dàng qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi. Virus cũng được hít hay truyền cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp, như bắt tay. Virus RSV có thể sống nhiều giờ trên các vật dụng như bàn, đồ chơi,… Trẻ sẽ có khả năng nhiễm nếu vô tình chạm vào những đồ vật có chứa virus và đưa lên miệng. Vài ngày đầu sau khi bị nhiễm virus là thời gian lây nhiễm cao nhất, nhưng với virus hợp bào hô hấp thời gian lây lan kéo đến vài tuần sau khi bắt đầu bị nhiễm. Các chuyên gia cũng cảnh báo, RSV có khả năng lây lan mạnh, nếu các gia đình chủ quan không cho con đi khám, không biết con đang nhiễm bệnh sẽ dễ khiến cho virus này phát tán rộng ra cộng đồng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi
Khi virus hợp bào (RSV) ảnh hưởng đến mũi họng (hệ thống hô hấp trên) các triệu chứng thường nhẹ và giống với biểu hiện do nhiều loại virus khác gây ra như virus cúm, rhinovirus, coronavirus, bocavirus, adenovirus… Do đó, khi thăm khám lâm sàng không thể phân biệt là do virus nào gây ra bệnh. Một số triệu chứng dễ nhận biết nhất của RSV là họng có nhiều đờm, quánh dịch, khiến đường hô hấp bít tắc, khó thở. Bệnh diễn tiến nặng từ ngày thứ 3 – 5 sau khi nhiễm RSV khiến trẻ ho càng lúc càng nhiều… nhất là ở những trẻ có bệnh nền nặng như tim bẩm sinh, loạn sản phổi, đẻ non, não bẩm sinh, suy dinh dưỡng… có yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng, nằm viện lâu. Tùy thuộc theo lứa tuổi, thể trạng, số lần mắc bệnh mà trẻ có biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau.
Thông thường, các ca nhiễm RSV có thể không nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ có hệ miễn dịch non yếu thì bệnh gây ra biến chứng khôn lường như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm tai giữa hay một số biến chứng khác về đường hô hấp như xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi…
Hiện nay, đa số các trường hợp nhiễm RSV sẽ tự khỏi sau 1 – 2 tuần. Cha mẹ có thể kiểm soát cơn sốt và cơn đau bằng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này cần được bác sĩ chỉ định chứ không nên tự ý dùng.
“Đặc trưng của RSV là làm keo dính đường hô hấp của người bệnh. Vì thế, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là rửa mũi, lọc đờm thường xuyên cho người bệnh để làm loãng dịch, từ đó ngăn ngừa tình trạng bít tắc đường hô hấp. Một điều rất quan trọng đối với những người bị nhiễm RSV đó là uống đủ nước (nhằm đảm bảo đủ dịch để lọc đờm). Nếu người bệnh không thể nạp đủ lượng nước cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Đồng thời, kê toa kháng sinh cũng có công hiệu tốt trong việc kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng bệnh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải thở oxy hoặc đặt nội khí quản để thở máy.”, bác sĩ Hoàng Tùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết.

Khuyến cáo phòng virus RSV cho trẻ
RSV dễ dàng lây lan qua tiếp xúc với người hoặc tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị ô nhiễm hoặc các chất tiết của các bệnh nhân. Khám và kiểm tra thường xuyên là rất cần thiết để phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ, đặc biệt là những trẻ thuộc nhóm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường cùng với sự gia tăng của nhiều bệnh truyền nhiễm như hiện nay, bác sĩ Tùng khuyến cáo: “Cha mẹ cần thường xuyên rửa tay, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng tương tự như cảm cúm trước khi bế hoặc đến gần trẻ; Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người; Nếu có thể hãy cách ly bé với các trẻ khác, bao gồm cả anh chị lớn hơn đang có dấu hiệu cảm cúm; Khi đi ra đường nên chủ động bảo vệ đường hô hấp trên cho trẻ, có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% nhỏ vào mắt, mũi trẻ sau khi đi chơi về; Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh cần đặc biệt lưu ý, nếu có những biểu hiện bệnh như: sốt, ho, khó thở cần đưa trẻ đến ngay các chuyên khoa hô hấp để được điều trị đúng.”
Thanh Nga (CDC)