Bệnh bạch biến là một bệnh da liễu thường gặp, trong đó các tế bào sắc tố da bị phá hủy khiến cho màu da một số vùng thay đổi. Bạch biến lành tính, không lây nhiễm nhưng sẽ có nhiều ảnh hưởng về tính thẩm mỹ. Quá trình điều trị bệnh bạch biến thường kéo dài và các phương pháp trị bệnh có thể đi kèm một số tác dụng phụ không mong muốn.
Cho đến hiện tại, giới nghiên cứu khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh bạch biến. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bệnh xuất hiện do sự suy giảm số lượng và chất lượng các tế bào sắc tố da ở vùng bị bệnh. Một số giải thuyết về nguyên nhân của bệnh như: Do yếu tố di truyền gen hoặc phát sinh trong quá trình phát triển. Do đột biến ở gen DR4, B13 hoặc BW35 của HLA. Do chất phá hủy hoặc ức chế hoạt động của các tế bào sắc tố da, khiến cho quá trình sản xuất sắc tố melanin cũng giảm theo. Do hình thành các kháng thể tự chống lại các kháng nguyên của tế bào sắc tố, tế bào tuyến giáp, tuyến thượng thận, gan tụy,..gây độc cho tế bào và làm giảm melanin. Do tiếp xúc với các chất hóa chất độc hại như Thiol, Phenol,…gây tác động xấu lên các tế bào sắc tố da. Do ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, stress, trầm cảm và do bệnh nhân mắc những bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi.
BSCKII Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Ba Chẽ cho biết:“Bệnh bạch biến đặc trưng là những vùng da mất sắc tố, hoặc là giảm sắc tố xen kẽ nhau. Thường là có ranh giới rõ rệt, đó là trên da xuất hiện các đốm, các mảng màu trắng, ranh giới rõ với vùng da lành, da bình thường xung quanh. Và đặc điểm là lông tóc ở các vùng da này cũng bị ảnh hưởng, cũng bị mất sắc tố, có màu trắng. Tuy nhiên da ở vùng da bị bạch biến thì không bị teo, không đóng vảy, không rối loạn cảm giác, tức là cảm giác trên da không bị biến đổi, không ngứa ngáy, không tê dại. Bạch biến có thể có nhiều hình thái khác nhau, người ta chia thành 2 thể chính gồm: Thể cư trú: Bao gồm các bạch biến ở từng điểm một, từng đoạn hoặc là ở thể niêm mạc. Thứ hai là thể lan tỏa, bạch biến thì gồm bạch biến ở các cực, tức là các đầu chi, mặt, cân đối 2 bên. Đấy là thể thông thường và cũng có thể là thể hỗn hợp mà bạch biến toàn thân. Bệnh bạch biến khác với bệnh bạch tạng. Bệnh biến chỉ có các đốm trắng ở các vùng da ấn định, trong khi bạch tạng thì da trắng toàn thân kèm theo tổn thương ở mắt. Bạch biến là bệnh mắc phải, còn bạch tạng là bệnh di truyền, bẩm sinh”.
Hiện tại, ở Việt Nam vẫn chưa có bất cứ thống kê chính thức nào về số lượng người mắc bệnh bạch biến. Đây là bệnh có thể xuất hiện với bất cứ đối tượng đang ở bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, phổ biến nhất là những người từ 10 tuổi đến 30 tuổi, một số ít trường hợp là trẻ em. Trong đó, có đến hơn 50% trường hợp xảy ra vào trước độ tuổi 20.
Thực tế sẽ rất khó để phán đoán trước được sự tiến triển của bệnh bạch biến. Thỉnh thoảng những mảng da bị bệnhsẽ tự khu trú thay vì cần được điều trị. Ở hầu hết những trường hợp mắc bệnh, các mảng da bị mất sắc tố sẽ dần lan rộng ra xung quanh. Bệnh tiến triển mạn tính, sẽ có những giai đoạn chúng trở nặng hơn, nhất là vào mùa hè và có xu hướng nhẹ đi khi trời vào đông.
Bệnh nhân có độ tuổi càng trẻ thì tiên lượng của bệnh sẽ càng tốt. Thời gian bị mắc bệnh cũng sẽ càng ngắn và hy vọng điều trị bệnh cũng cao hơn so với các bệnh nhân lớn tuổi.
Vết bạch biến thường xuất hiện ở vùng da bị chấn thương. Khi bị chấn thương các tế bào dưới da dễ bị kích thích, sinh ra phản ứng viêm gây tổn thương tế bào hắc tố, từ đó bạch biến xuất hiện. Hiện tượng này thường xảy ra khi bệnh đang có dấu hiện lan rộng. Khi xuất hiện triệu chứng trên người bệnh cần hạn chế các can thiệp như ghép tế bào, thủ thuật làm đẹp như lăn kim, tiêm meso, phẫu thuật…
Bạch biến là một loại bệnh lý ngoài da và không có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Vậy nên khi tiếp xúc gần với người bệnh, không cần phải lo lắng chúng sẽ lây nhiễm làm ảnh hưởng sức khỏe của mình.
Chẩn đoán bệnh bạch biến chủ yếu dựa vào việc khai thác tiền sử và các triệu chứng lâm sàng. Việc thăm khám và hỏi bệnh sử giúp loại trừ một số bệnh lý khác như viêm da hoặc vảy nến. Bác sĩ sử dụng đèn chiếu tia UV lên da để xác định xem bệnh nhân có mắc bệnh bạch biến không. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định để làm thêm các xét nghiệm khác như: Sinh thiết một mẩu da ở vùng thương tổn; Lấy máu để tìm kiếm các nguyên nhân tự miễn bên dưới như thiếu máu hoặc đái tháo đường.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị triệu chứng bệnh bạch biến và tỷ lệ đáp ứng tùy thuộc vào từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bệnh cũng có thể đi kèm với một số tác dụng phụ. Cụ thể là:
Sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc có tác dụng tăng cảm ứng với ánh sáng toàn thân hoặc tại chỗ như meladinine, melagenina, kết hợp với việc chiếu tia cực tím có bước sóng dài hoặc ngắn tại vị trí có tổn thương bạch biến. Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Tác dụng phụ của thuốc là gây chán ăn, tăng men gan, vàng da hoặc khiến các đám bạch biến bị đỏ, rát phỏng. Vì vậy, cần sử dụng thêm các thuốc chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch.
Thuốc bôi Corticoid kết hợp với các liệu pháp điều trị khác gồm laser CO2, UVB phổ hẹp, dẫn xuất vitamin D3,…là lựa chọn điều trị phù hợp cho các trường hợp bạch biến khu trú. Thuốc có một số tác dụng phụ không mong muốn là gây viêm da tiếp xúc dị ứng, ngứa rát, bong da, khô da, giảm sắc tố, rậm lông, viêm nang lông, rạn da, đục thủy tinh thể, mụn trứng cá, vết trắng da do co mạch, teo da,…nên cần hạn chế sử dụng cho trẻ em và không sử dụng quá 2 tháng.
Thuốc uống chống nắng: Bệnh nhân bạch biến có số lượng tế bào sắc tố giảm sút nên bị suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể trước tác hại của ánh nắng mặt trời. Bởi vậy, ngoài việc sử dụng thuốc chống nắng dạng bôi ngoài da thì cần sử dụng thêm thuốc uống chống nắng để tránh nguy cơ bị cháy nắng ở vùng da bị giảm sắc tố.
Phương pháp khác
– Trị liệu tâm lý: Bệnh bạch biến gây nhiều ảnh hưởng tới tâm lý của bệnh nhân, làm mất tự tin, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Do đó, tư vấn, điều trị tâm lý là vô cùng quan trọng để giúp người bệnh thoải mái hơn, tự tin hơn trong việc chiến đấu với bệnh tật;
– Cấy tế bào sắc tố da: Là phương pháp phẫu thuật đưa các tế bào sắc tố từ vùng da lành tới vùng da bị bạch biến. Phương pháp này đòi hỏi chi phí và kỹ thuật cao. Nếu thực hiện thất bại, có thể để lại sẹo, nhiễm trùng, gây sắc tố da bất thường, xuất hiện sỏi,…;
– Xăm thẩm mỹ: Có thể ngụy trang cho các vết bạch biến, là lựa chọn điều trị phù hợp với người bị bạch biến niêm mạc nhưng cần xem xét tới các tác dụng phụ;
– Làm mất sắc tố: Với bệnh nhân có vết loang bạch biến rộng và khó điều trị thì có thể lựa chọn phương pháp làm mất sắc tố các vùng còn lại bằng phương pháp hóa học hoặc vật lý. Este Etyl monobenzone (MBEH) được sử dụng để điều trị. Cách dùng là sử dụng MBEH 20% bôi lên vùng da có sắc tố từ 2 – 3 lần/ngày, tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời. Tình trạng mất sắc tố có thể xuất hiện sau 1 – 4 tháng điều trị. Nếu sau 4 tháng điều trị mà không thu được hiệu quả thì nên dừng thuốc. Khi đạt được mức độ mất sắc tố mong muốn thì chỉ sử dụng duy trì MBEH 2 lần/tuần.
Bạch biến là bệnh tự miễn nên có thể liên quan tới những bệnh lý tự miễn khác như Basedow, suy tuyến thượng thận, lupus ban đỏ hệ thống,…Ngoài ra bệnh còn liên quan với một số bệnh lý nội tiết như tiểu đường, suy giáp,.. Cần điều trị đồng thời các bệnh phối hợp với bạch biến để kiểm soát bạch biến tốt hơn.
Bệnh bạch biến không gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, những biến chứng liên quan của bệnh có thể gây nên các vấn đề về mắt như viêm lớp giữa của mắt, viêm mống mắt hay mất đi một phần thị giác. Ngoài ra, bệnh ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý của người bệnh và thẩm mỹ của người bệnh, khiến họ cảm thấy mất tự tin, ngại giao tiếp, nói chuyện.
Để phòng tránh và hạn chế những diễn biến của bệnh, những thói quen sinh hoạt lành mạnh đóng một vai trò hết sức quan trọng. BSCKII Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Ba Chẽ khuyến cáo: “Mỗi người dân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và duy trì các lối sống tích cực, hạn chế stress, căng thẳng; Tránh dùng những loại nước có chất kích thích như cà phê, bia, rượu; không thức khuya; Khi ra ngoài nên che chắn cẩn thận, mặc quần áo dài tay và đeo khẩu trang; Bôi kem chống nắng để hạn chế sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời; Thăm khám định kỳ để được theo dõi sức khỏe, phát hiện một số bệnh liên quan như tuyến yên, tuyến thượng thận,..”
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN