CDC Quảng Ninh triển khai tiêm vắc xin phòng Cúm cho cán bộ, nhân viên

Ngày 6/3/2023, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh) tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm mùa cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động của đơn vị. Chương trình tiêm chủng nằm trong kế hoạch sử dụng vắc xin Cúm mùa cho nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh năm 2023 của Sở Y tế Quảng Ninh.

Nhân viên y tế làm viêc tại các bộ phận có nguy cơ cao được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Cúm mùa

Căn cứ vào số lượng vắc xin phòng Cúm được phân bổ, CDC Quảng Ninh tổ chức tiêm chủng cho 145 cán bộ, nhân viên, ưu tiên cho đối tượng nhân viên y tế đang mắc các bệnh mãn tính, nhân viên y tế trên 50 tuổi và nhân viên y tế đang làm việc tại các bộ phận có nguy cơ cao như: Bộ phận tiếp đón bệnh nhân, phòng khám, khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, khoa xét nghiệm vi sinh huyết học, xét nghiệm hóa sinh…. Sau thời gian triển khai tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên, căn cứ nguồn vắc xin còn dư, đơn vị tiếp tục triển khai tiêm cho đối tượng viên chức, người lao động khác trong đơn vị.

Vắc xin IVACFLU-S là vắc xin cúm mùa bất hoạt tam liên phòng 3 chủng cúm: A/H1N1, A/H3N2 và chủng nhóm B.

Vắc xin được sử dụng là vắc xin IVACFLU-S do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất, là vắc xin cúm mùa bất hoạt tam liên phòng 3 chủng cúm: A/H1N1, A/H3N2 và chủng nhóm B.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính do virus cúm (influenza virus) gây nên. Bệnh cúm là căn bệnh tiềm ẩn nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng, dẫn tới bệnh nhân cần phải nhập viện và thậm chí có thể tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus cúm giết chết từ 290.000- 650.000 người mỗi năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, bệnh cúm mùa thường gây nên bởi virus A, B, C, trong đó thường gặp nhất ở người là chủng cúm A và B.

Cán bộ lãnh đạo, nhân viên CDC Quảng Ninh được tiêm chủng vắc xin phòng Cúm để bảo vệ sức khỏe, yên tâm công tác

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, trong khi đó tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng cúm mới rất cao có thể lên tới 90% ở người lớn và trẻ em, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến cúm và những người thường xuyên tiếp xúc với đối tượng này, chẳng hạn như nhân viên y tế (thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố nguy hại, dịch bệnh, làm tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh do nghề nghiệp). Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu về nhiễm cúm A (H1N1) năm 2009 cho thấy các nhân viên y tế có khả năng bị cúm cao gấp đôi so với nhân viên các ngành nghề khác.

Tiêm vắc xin phòng cúm là cần thiết đối với các nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố nguy hại, dịch bệnh

Sử dụng vắc xin phòng cúm hàng năm là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa căn bệnh này. Đây là hành động thiết thực mang lại sự an tâm trong công tác cho đội ngũ cán bộ y tế, tăng cường sức đề kháng để cán bộ y tế tiếp tục vững vàng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Quỳnh Trang (CDC Quảng Ninh)