Không chủ quan với viêm màng não ở trẻ

Cuối năm, thời tiết rét đậm, rét hại xuất hiện ở nhiều nơi tại miền Bắc và giao mùa ở miền Nam khiến cho trẻ em dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là bệnh viêm màng não. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề cho trẻ nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não có thể xem là bệnh theo mùa và thường gặp ở đối tượng trẻ nhỏ. Năm nay, tình hình dịch bệnh có xu hướng phức tạp hơn, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, những dịch bệnh lưu hành cũ cũng có xu hướng quay trở lại. Bên cạnh đó, do gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng vắc xin nên việc tiếp cận với các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của trẻ nhỏ tại nhiều địa phương cũng còn nhiều hạn chế khiến việc xuất hiện và lây nhiễm của bệnh viêm màng não trở nên đáng lo ngại.

Một số triệu chứng có thể gặp phải đối với trẻ bị viêm màng não

Trong y khoa, bệnh viêm màng não được gọi là bệnh cấp cứu nội khoa, nghĩa là phải cứu chữa nhanh chóng, kịp thời và đúng cách, nếu chậm trễ sẽ gây hậu quả khôn lường. Bệnh có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Một số trường hợp bệnh nhân giữ được tính mạng nhưng lại bị các di chứng nặng nề như phải sống thực vật hoặc gặp các biến chứng nặng như giảm thính lực, gặp các vấn đề về thần kinh, vận động.

Là căn bệnh gây tổn thương ở hệ thần kinh trung ương nhưng viêm màng não lại lây truyền qua đường hô hấp. Cơ thể con người có một bộ phận được gọi là màng não, bao quanh bộ não và kéo dài cho đến cột sống. Trong điều kiện bình thường, đây là bộ phận vô trùng, nhưng một số vị trí như hầu họng, tai lại dễ bị viêm, vi khuẩn xâm nhập và tấn công vào màng não.

Viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao hơn do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi trùng hoặc siêu vi trùng, vi nấm, ký sinh trùng. Những mầm bệnh này luôn ở khắp nơi, đặc biệt là ký sinh trên cơ thể người lớn, nhiều nhất là ở hầu họng và khi trẻ tiếp xúc với những người xung quanh thì khả năng mắc bệnh luôn tiềm ẩn.

Về triệu chứng: lúc mới bị, viêm màng não có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác vì có các biểu hiện như sốt, nôn ói, đau đầu. Các triệu chứng muộn thì khá điển hình như co giật, hôn mê. Do đó theo dõi tình trạng sức khoẻ của trẻ thường xuyên là việc hết sức quan trọng. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì cha mẹ nên lau mát cơ thể và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ dẫn liều lượng, cân nặng. Trong trường hợp trẻ sốt cao mà cơ thể không đáp ứng thuốc, cần cho trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán viêm màng não nhưng chủ yếu và chính xác nhất là thông qua xét nghiệm. Chia sẻ một số kĩ thuật thường sử dụng trong xét nghiệm viêm màng não, bác sĩ CKI. Phí Xuân Thi, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: “Chẩn đoán viêm màng não chúng tôi dựa vào hỏi bệnh cảnh, lâm sàng của em bé, từ bệnh sử, các diễn tiến triệu chứng như thế nào. Thứ 2 là các vấn đề liên quan đến thăm khám lâm sàng. Trong xét nghiệm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, có 2 xét nghiệm quan trọng nhất: thứ nhất là chọc dò dịch tuỷ sống. Chúng tôi sẽ dùng kim chọc vào tuỷ sống, lấy dịch đó ra xét nghiệm xem có bằng chứng nhiễm trùng hay không. Cái thứ 2 là một cái phim chụp hình ảnh liên quan tới hình ảnh của sọ não để tìm biến đổi trên hình ảnh học. Hoặc một số trường hợp đặc biệt hơn, chúng tôi có thể làm thêm những cái chẩn đoán sâu hơn hoặc là điện não đồ để tìm những sóng bất thường.

Với trẻ em, việc tiêm chủng các loại vắc xin theo đúng độ tuổi là cần thiết để chủ động phòng ngừa viêm màng não cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Các loại vắc xin này cũng đã được kiểm định và đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Bác sĩ Phí Xuân Thi cho biết: “Trong chương trình tiêm chủng có rất nhiều vắc xin có thể phòng ngừa viêm màng não, ví dụ như vắc xin 5 trong 1, hoàn toàn có thể phòng ngừa viêm màng não, các vấn đề do vi khuẩn HIB gây ra. Hoặc là tiêm phòng sởi, từ tháng thứ 9 trở đi, những em bé được tiêm phòng sởi hoàn toàn có thể phòng ngừa biến chứng của sởi lên hệ thần kinh trung ương hay là ngoài 12 tháng trở ra, em bé có thể tiêm viêm não Nhật bản. Cái tiếp theo là vắc xin liên quan đến thuỷ đậu, thuỷ đậu cũng là nguyên nhân gây lên biến chứng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chúng ta có thể hoàn toàn tiêm thêm vắc xin thuỷ đậu. Những vấn đề về vắc xin, phụ huynh nên cho các em bé đến bệnh viện hoặc các cơ sở tiêm chủng để được các bác sĩ tư vấn đầy đủ, làm sao để tiêm đầy đủ cho em bé vấn đề miễn dịch, giảm các nguy cơ mắc bệnh tật.

Dù được tiêm phòng đầy đủ nhưng không thể khẳng định trẻ sẽ hoàn toàn miễn dịch với viêm màng não. Do đó, bên cạnh việc nhớ lịch tiêm chủng, cải thiện môi trường sống và nâng cao sức đề kháng cũng hỗ trợ tích cực trong phòng ngừa, giảm thiểu các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể non yếu của trẻ. Bác sĩ Thi cho biết thêm: “Chúng ta được tiêm phòng đầy đủ, là hình thức để ngăn ngừa những vấn đề về viêm màng não. Cách thứ 2 chúng ta có thể đề phòng là giảm các vấn đề liên quan tới đường lây truyền ví dụ những virus lây truyền qua đường miệng, chúng ta cần làm cách nào để giảm thiểu sự lây nhiễm đó. Chúng ta có thể hướng dẫn, dạy trẻ rửa tay sạch trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm đảm bảo ATVSTP hoặc các vấn đề liên quan đến lây nhiễm qua đường hô hấp. Chúng ta phải tránh các bệnh nhân có bệnh lý về hô hấp, tránh tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn. Cải thiện môi trường sống, nâng cao thể trạng để phòng tránh các bệnh lý nhiễm trùng.

Không chủ quan với những biểu hiện bất thường của con là cách tốt nhất để bảo vệ con mình trước những nguy cơ bệnh tật.

Thanh Nga (CDC)