Ung thư vú 90% khỏi bệnh nếu được phát hiện sớm

Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Ung thư vú thường gặp nhất ở nữ giới ngoài 30 tuổi với những cơn đau kéo dài, nếu không được phát hiện và điều trị có thể di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể gây biến chứng nặng, giảm tuổi thọ và thậm chí là tử vong.

Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi. Tuy nhiên khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú. Những tế bào này có khả năng xâm lấn vào mạch máu, mạch bạch huyết xung quanh và di chuyển đến những vùng xa vị trí khối u ban đầu, tạo ra các khối di căn.

Một số dấu hiệu nhận biết ung thư vú người bệnh nên lưu ý

Ung thư vú thường được sinh ra do các đột biến gen tế bào. Có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng này, trong đó khoảng 5-7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống. Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ tồn tại cũng làm tăng tỷ lệ ung thư vú của nữ giới như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì, ít vận động… Ung thư vú giai đoạn đầu thường khó để nhận biết bằng mắt thường do không có nhiều triệu chứng cụ thể, lâu dần sẽ chuyển sang đau, vú tiết dịch mủ, nổi hạch rõ quanh vùng ngực. Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Vân Anh, Khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Tổ chức ung thư sẽ phát triển từ các tế bào núm vú và phát triển quá tầm kiểm soát của cơ thể sẽ hình thành các khối u. Biểu hiện của ung thư vú sẽ chia theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, bao giờ cũng sẽ là biểu hiện tại chỗ, tại các khu vực xung quanh vùng nách và khi bệnh đến giai đoạn muộn thì sẽ có biểu hiện từ những cơ quan xa. Khi mà biểu hiện tại chỗ, sờ thấy u, cục, chảy dịch núm vú bất thường, chảy dịch hồng, vàng, có thể co kéo tụt núm vú, thay đổi sắc tố da tại vùng vú đấy, đỏ da, sần da cam hoặc nổi những nốt trên da vú. Còn những biểu hiện khi ung thư vú đã xâm nhập sẽ xuất hiện hạch nách, hạch cổ…”

Ung thư vú là căn bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ. Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2022 toàn thế giới có tới hơn 2,2 triệu phụ nữ được phát hiện ung thư vú và có tới gần 500 nghìn trường hợp tử vong do căn bệnh này. Tại Việt Nam, năm 2022 ước tính cả nước có trên 20.000 người mắc mới ung thư vú được phát hiện bệnh và gần 9.000 bệnh nhân tử vong, chiếm khoảng 25,8% tổng số các trường hợp mắc các bệnh ung thư ở phụ nữ. Đáng lo ngại, tỷ lệ người mắc ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Mặt khác, do yếu tố tâm lý cho nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm bệnh. Còn rất nhiều phụ nữ tới bệnh viện thăm khám thì đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém. Trong khi đó, việc tầm soát phát hiện sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí thấp và hiệu quả điều trị cũng tốt.

Ung thư vú có nhiều nguyên nhân và tuỳ từng loại sẽ có các cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên nếu ung thư vú di căn đến các bộ phận khác của cơ thể sẽ rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trong những năm gần đây tỷ lệ phụ nữ được phát hiện và điều trị ung thư vú giai đoạn đầu ở Quảng Ninh tăng cao, hiệu quả điều trị tốt, không để lại biến chứng, di căn nặng nề. Chia sẻ về một số phương pháp hiện đại được áp dụng trong điều trị ung thư vú tại bệnh viện Bãi Cháy, bác sĩ Vân Anh cho biết: “Tại bệnh viện Bãi Cháy, hiện đang có trang thiết bị tương đối đầy đủ để phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Trong chẩn đoán ung thư vú đầu tiên là khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được khám và chỉ định làm các xét nghiệm trong đó có chụp nhũ ảnh, siêu âm tuyến vú và cao cấp hơn sẽ là chụp cộng hưởng từ tuyến vú. Sau khi có kết quả bên chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân sẽ được chọc tế bào hoặc sinh thiết vú để chẩn đoán xác định. Khi được chẩn đoán là ung thư vú, bệnh nhân chẩn đoán toàn thân bằng các thiết bị chẩn đoán và CT toàn thân để đánh giá các giai đoạn cụ thể trước khi đưa vào các phương pháp điều trị. Về các phương pháp điều trị, hiện bệnh viện đã triển khai được đầy đủ như phẫu thuật, xạ trị, hoá chất…Bệnh viện có 2 máy xạ gia tốc có thể kết hợp xạ điều biến liều để giảm tổn thương tế bào lành quanh vùng ung thư…có thể đáp ứng về cơ bản trong điều trị ung thư vú.

Khám sàng lọc và kiểm tra sức khoẻ định kỳ giúp chị em phụ nữ chủ động trong việc theo dõi tình trạng sức khoẻ bản thân (Ảnh: BVBC)

Theo các chuyên gia y tế, không có phương pháp chữa trị tự nhiên nào cho bệnh ung thư vú. Điều trị y tế là cần thiết để loại bỏ, thu nhỏ hoặc làm chậm sự phát triển của khối u. Châm cứu và gừng có thể giúp giảm buồn nôn liên quan đến hóa trị; xoa bóp, thiền và yoga có thể giúp giảm bớt lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi; chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và các thói quen lành mạnh sẽ giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Những liệu pháp bổ sung này có thể có lợi cho sức khỏe thể chất hoặc tinh thần nhưng không thể chữa khỏi ung thư. Bên cạnh đó, không phải tất cả các liệu pháp bổ sung đều an toàn cho người bị ung thư vú do có thể gây trở ngại hoặc phản ứng ngược trong quá trình điều trị. Do đó bệnh nhân ung thư vú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào để hạn chế tối đa rủi ro cho cơ thể.

Tỷ lệ mắc ung thư vú ngày càng tăng nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vú đang có xu hướng giảm đi, do những tiến bộ trong điều trị ung thư và tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm ngày càng tăng. Do đó, chị em phụ nữ hãy lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện những bất thường xảy ra và khám phụ khoa định kỳ để luôn chắc chắn về tình trạng sức khoẻ của bản thân.

Thanh Nga (CDC)